Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh trong nỗ lực chống lại “gã khổng lồ” viễn thông Trung Quốc Huawei, gây áp lực buộc các đồng minh phải tuân theo lệnh cấm.
Mỹ tuyên bố Huawei, một trong những công ty quan trọng nhất của Trung Quốc, có nguy cơ gián điệp khi tiếp cận cơ sở hạ tầng công nghệ phương Tây. Động thái mới nhất chống lại Huawei diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại ngày càng tồi tệ giữa Bắc Kinh và Washington, sau khi đàm phán đổ vỡ, dẫn đến các đòn thuế trị giá hàng tỷ USD từ cả hai phía.
Phơi bày rạn nứt nội bộ chính trường Anh
Trong khi một số đồng minh của Mỹ - đặc biệt là Australia và New Zealand, có vẻ xuôi theo áp lực cấm “làm ăn” với Huawei, thì số khác lại tỏ ra thận trọng hơn. Châu Âu nói riêng bị chia rẽ về việc có nên ngừng giao dịch với tập đoàn này – vốn đang dẫn đầu thị trường về công nghệ 5G, dự kiến sẽ là huyết mạch của nền kinh tế mới.
Mỹ đang gây áp lực cho các đồng minh tẩy chay thiết bị của Huawei trong quá trình xây dựng hệ thống mạng 5G. |
Vấn đề Huawei phơi bày những căng thẳng mới trong Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Theresa May.
Đầu tháng này, bà Theresa May sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson do ông này bị cáo buộc đưa ra nguồn tin rằng Anh chuẩn bị cho Huawei tiếp cận xây dựng hệ thống 5G của nước này.
Bà May cáo buộc ông Williamson-vốn có "mối quan ngại sâu sắc" về Huawei, làm rò rỉ thông tin một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Quốc gia Anh. Các cuộc thảo luận của hội đồng thường được bảo vệ nghiêm ngặt, do đó việc rò rỉ thông tin ngay lập tức ra sự phẫn nộ ở Anh.
Thủ tướng Anh cùng các đồng minh, được cho là ủng hộ sự tham gia hạn chế của Huawei vào cơ sở hạ tầng mạng của Anh, chứ không phải 1 lệnh cấm hoàn toàn. Điều này dựa trên lời khuyên của GCHQ, cơ quan tình báo Anh đã giám sát chặt chẽ Huawei.
Phần còn lại trong đảng Bảo thủ ủng hộ mạnh mẽ lệnh cấm hoàn toàn, với sức ảnh hưởng từ Washington. Tháng trước, Tom Tugenhadt, Chủ tịch đảng bảo thủ của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cáo buộc bà May phớt lờ lời khuyên của Mỹ và Australia chống lại Huawei - "gây nguy hiểm cho quan hệ chia sẻ thông tin tình báo 70 năm đã củng cố an ninh của Anh, vì lợi ích thương mại của Trung Quốc."
Thiếu chắc chắn từ “đầu tàu châu Âu”
Một chủ tịch luân phiên khác của Huawei, Ken Hu, cũng có mặt ở châu Âu trong tuần này. Hôm 16/5, ông Hu tham dự hội nghị Viva Tech thường niên tại Paris, cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Pháp cũng đang lưỡng lự vấn đề với Huawei, nhưng ít có khả năng ban hành lệnh cấm hoàn toàn như Anh đang xem xét. Tuy nhiên, ông Macron đã khuyến khích các nhà lãnh đạo châu Âu khác có lập trường mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc và có thể tận dụng động thái chống lại Huawei của ông Trump như một biện pháp để thúc đẩy chương trình nghị sự này.
Chắc chắn là các nước châu Âu khác cũng hoài nghi. Lục Địa già cũng là nơi có hai đối thủ lớn nhất của Huawei khi nói đến 5G, Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan.
Trong chuyến thăm gần đây tới Anh và Đức, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo rằng việc cho phép Huawei vào cơ sở hạ tầng viễn thông của các quốc gia đó sẽ khiến việc hợp tác với họ trở nên "khó khăn hơn".
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho đến nay không cúi đầu trước áp lực của Mỹ cấm Huawei, ngay cả khi sự phản đối tập đoàn này đang gia tăng tại một số lĩnh vực an ninh quốc gia Đức.
Tuy nhiên, áp lực từ Mỹ có thể khiến bà Merkel thay đổi quan điểm trong quá trình tìm sự đồng thuận của châu Âu về vấn đề này. Trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian, bà Merkel cho rằng rằng Trung Quốc, Nga và Mỹ "hết lần này đến lần khác thúc giục châu Âu tìm tiếng nói chung. Điều đó thường khó khăn do khác nhau về lợi ích, nhưng chúng tôi đã làm được”.
Động thái chống lại Huawei mới nhất của ông Trump có thể thúc giục các đồng minh châu Âu ngồi lại. Nhưng một Lục địa già vốn đã mệt mỏi với Brexit và vật vã trên con đường tìm một chính sách rõ ràng với Bắc Kinh, việc đạt đồng thuận về vấn đề Huawei thực sự khó khăn.