Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện CPTPP: Áp lực cơ cấu lại thị trường

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự thảo nghị định Biểu thuế xuất khẩu (XK) ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giai đoạn 2019 - 2022 vừa được Bộ Tài chính hoàn thiện.

Theo đó, các mặt hàng được người dân quan tâm như thuế một số dòng ô tô sẽ xóa vào năm thứ 10; mặt hàng sắt thép, xăng dầu, theo lộ trình chủ yếu xóa bỏ thuế vào năm thứ 11.
Xóa bỏ thuế xuất khẩu theo lộ trình 5 - 15 năm

Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế XK đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng loại thuế này, cơ bản theo lộ trình từ 5 - 15 năm sau khi hiệp định có hiệu lực (ngày 14/1/2019). Một số nhóm mặt hàng quan trọng như than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản (70 mặt hàng) được tiếp tục duy trì thuế XK. Đối với thuế NK, ngoài 65,8% số dòng thuế NK sẽ xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4; 97,8% số dòng thuế xóa vào năm thứ 11; còn lại sẽ xoá bỏ chậm nhất vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan.
 
Với một số mặt hàng như ô tô con có dung tích xi lanh từ 3.000cc trở lên sẽ xoá bỏ thuế quan vào năm thứ 10 và sắt thép, xăng dầu vào năm thứ 11. Mặt hàng dệt may, giày dép, gạo, phân bón xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực. Tương tự, mặt hàng nhựa và sản phẩm nhựa; hóa chất và sản phẩm hóa chất; giấy, đồ gỗ; máy móc, thiết bị: phần lớn xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực, một số loại xóa bỏ vào năm thứ 4. Thuốc lá điếu xóa bỏ thuế vào năm thứ 16.

Đại diện Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc cắt giảm triệt để thuế quan, từ đó giảm giá thành sản phẩm cũng khiến Hiệp định CPTPP được kỳ vọng sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho DN. Hiệp định CPTPP mang đến cơ hội mở rộng thương mại đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ. Bên cạnh đó là cơ hội nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam. Đây chính là cơ hội tăng lợi nhuận cho DN, có thêm việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ảnh hưởng thế nào đến ngân sách?

Về ảnh hưởng đến ngân sách, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, việc cắt giảm thuế NK theo cam kết của Hiệp định CPTPP sẽ không có tác động đột ngột tới ngân sách. Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, mặc dù khi thực hiện các cam kết theo CPTPP, thuế suất sẽ giảm nhưng CPTPP cũng sẽ giúp Việt Nam cơ cấu lại thị trường XNK theo hướng cân bằng hơn, không quá dựa nhiều vào một thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc…
 Mua bán xăng, dầu tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng
Các mặt hàng XK có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), XK của Việt Nam có thể tăng thêm 4,2%. Bên cạnh đó, các cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư, hải quan… sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.
Kỳ vọng là vậy, tuy nhiên các DN tận dụng các cơ hội từ CPTPP như thế nào là câu hỏi đang được quan tâm. Một số DN cho hay, để đảm bảo thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, trong đó có CPTPP, tận dụng được thuận lợi, giảm thiểu những tác động bất lợi do quá trình cắt giảm thuế đảm bảo ổn định, bền vững cho nguồn thu ngân sách trong dài hạn, Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch thương mại bền vững để tăng thu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường ở khâu NK. Đồng thời, tiếp tục cải cách hệ thống thuế với mục tiêu xây dựng hệ thống thuế đồng bộ vừa khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, vừa đảm bảo nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

“Do trong CPTPP có 7/10 nước đã có FTA với Việt Nam và lộ trình giảm thuế NK tương đối dài (10 năm). Trong khi đó, Việt Nam được quyền đánh thuế XK đối với một số mặt hàng có nguồn thu lớn như dầu thô và một số loại khoáng sản nên tác động giảm thu đối với ngân sách là không lớn”. - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) Vũ Như Thăng