Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện đúng quy hoạch để tránh “vết xe đổ”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Một trong những quy định mới của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP (NĐ 11) về Quản lý đầu tư phát triển đô thị đang được các nhà đầu tư và người dân đặc biệt quan tâm đó là sẽ để các địa phương quyết định những khu vực có thể phân lô, bán nền. Sau một thời gian cấm phân lô, bán nền, quy định mới có thể sẽ tác động, làm "nóng" một phân khúc của thị trường bất động sản bởi đánh đúng

Thực hiện đúng quy hoạch để tránh “vết xe đổ” - Ảnh 1
Ông Đỗ Viết Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về những vấn đề xoay quanh câu chuyện này.

 Theo Điều 7 của NĐ11, các địa phương có thể quy định cụ thể những khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở, nghĩa là sẽ có một số khu vực trong đô thị sẽ được phân lô, bán nền?

- Quy định này sẽ được cụ thể hóa thông qua Thông tư mà Bộ Xây dựng đang chỉ đạo triển khai, khi đó sẽ có những lời giải cụ thể. Vấn đề khó nhất từ xưa đến nay với quản lý đô thị đó là quản lý bộ mặt kiến trúc, không gian của đô thị. Đối với những khu vực không yêu cầu quá cao về kiến trúc, không yêu cầu quá chặt chẽ thì có thể để địa phương tự quyết nhưng vẫn phải tuân thủ quy hoạch chi tiết được duyệt. Còn trong khu vực nội thành, nội thị, khu vực cửa ngõ đô thị, khu vực có không gian, tầm nhìn lớn có thể ảnh hưởng đến trật tự xây dựng của đô thị… Thông tư sắp tới ban hành sẽ quản lý chặt chứ không có chuyện "tháo" toàn bộ những khu vực trước đây đã cấm chia lô, bán nền.

Thực hiện đúng quy hoạch để tránh “vết xe đổ” - Ảnh 2

Nhà phân lô trong Khu đô thị mới Định Công.   Ảnh: Đức Giang

Điều 7 Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị: "UBND cấp tỉnh quy định cụ thể những khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã được đầu tư hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch chi tiết của dự án đã được phê duyệt, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng".

Quy định này xuất phát từ nhu cầu thực tế, phù hợp với điều kiện của người dân, giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà. Ví dụ như đất dãn dân của khu vực nông thôn hay nhưng khu vực tái định cư nằm ngoài đô thị, khi đã có quy hoạch được duyệt, thì việc tuân theo quy hoạch hạ tầng là cơ bản còn phần xây dựng công trình nhà ở để người dân tự thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý. Tuy nhiên, cần lưu ý là không để người dân xây lại một cách tùy tiện mà phải có những hướng dẫn, mẫu thiết kế cụ thể để người dân lựa chọn, thực hiện. Trong quá trình thực hiện, người dân có thể xây dựng từng phần của công trình theo khả năng tài chính.

Theo ông, quy định này sẽ có tác động thế nào đến thị trường bất động sản?

- NĐ11 không phải là công cụ duy nhất để tháo gỡ cho thị trường mà chỉ đóng góp một phần. Quy định chặt chẽ hơn trong đầu tư phát triển đô thị sẽ giúp khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư theo phong trào, không xuất phát từ nhu cầu đô thị, thiếu quy hoạch, kế hoạch - nguyên nhân dẫn đến sự thiếu phù hợp giữa cung, cầu, dư thừa sản phẩm bất động sản hiện nay. Sau khi có NĐ11, bắt buộc những chủ đầu tư tham gia thực hiện dự án ở các đô thị phải xác định được khu vực phát triển đô thị, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Câu chuyện thực tế là trên nền quy hoạch chung định hướng đến năm 2030, thậm chí 2050, nhưng cứ rơi vào "vết loang" của đô thị là "đánh dấu chéo", là cho phép nhà đầu tư vào triển khai đầu tư xây dựng, cách làm này không đúng. Định hướng phải được tuân thủ, có kế hoạch 20 năm, 10 năm, 5 năm, thậm chí là hàng năm thì đầu tư mới phù hợp, hiệu quả.

Việc chia lô, bán nền đã từng "đẻ" ra các vấn đề hết sức phức tạp cho đô thị, đặc biệt là vấn đề cảnh quan, kiến trúc. Bây giờ mở ra chia lô, bán nền thì phải coi trọng vấn đề quản lý, cấp phép xây dựng, làm sao để người dân phải thực hiện theo quy hoạch, yêu cầu, hướng dẫn của chính quyền, cơ quan quản lý. Trách nhiệm chính là chính quyền các cấp và cơ quan quản lý chuyên ngành, vì thế cần nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ quản lý tại địa phương. Đồng thời cần có thiết kế đô thị, cần ban hành những quy định rất chặt chẽ và cả những chế tài thỏa đáng.

GS.TS Nguyễn Lân - Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam

Có ý kiến cho rằng, sẽ xuất hiện cơ chế xin - cho vì cả nhà đầu tư và người dân đều thích phân lô, bán nền hơn là mua đất có công trình?

- Về góc độ quản lý Nhà nước, không bao giờ mong muốn xuất hiện tình trạng xin - cho, nhưng không phải ngay một lúc mà chấm dứt tình trạng này. NĐ11 đã đưa ra một vấn đề rất quan trọng, đó là các địa phương phải hình thành danh mục dự án đầu tư  và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là việc đã được nói nhiều nhưng chưa thực hiện được. Với NĐ11, các địa phương buộc phải thực hiện. Đã nói đến dự án đầu tư là phải có phân khu được duyệt, lên danh mục để công khai, qua đó nhà đầu tư có thể đăng ký tham gia đầu tư. Nếu không có thông tin công khai, nhà đầu tư phải tìm thông tin thông qua việc giới thiệu địa điểm. Mà giới thiệu địa điểm chính là câu chuyện xin - cho. NĐ11 đi vào cuộc sống sẽ hạn chế rất nhiều việc giới thiệu địa điểm như thời gian qua.

Các địa phương có quyền tự quyết định hoàn toàn các khu vực được phân lô, bán nền không, thưa ông?

- Trong NĐ11 đã nêu rõ, trước khi địa phương quyết định sẽ phải xin ý kiến Bộ Xây dựng, đây là khâu kiểm soát xem có đúng với định hướng đã nêu trong NĐ11 hay không. Quan điểm của Bộ là không cho phép phá vỡ cảnh quan, lộm nhộm trong phát triển đô thị vì thế sẽ không có chuyện chia lô, bán nền ồ ạt như trước đây đã từng xảy ra, và cũng không thể "buông" việc kiểm soát chia lô, bán nền. Bộ Xây dựng đang tiếp tục xem xét để đưa vào thông tư hướng dẫn nhằm xác định quyền tự chủ của địa phương ở mức độ nào.

Xin cảm ơn ông!