Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện Nghị định 82 về quản lý các Khu công nghiệp và Khu kinh tế còn nhiều vướng mắc

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hầu hết các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế, Khu công nghệ cao các tỉnh, thành phía Nam hiện đang bị ảnh hưởng đến sự phát triển do gặp phải nhưng rào cản, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 82.

Ngày 5/4, hội nghị giao ban lần thứ VIII năm 2019 Câu lạc bộ Ban quản lý Khu công nghiệp (KCN), Khu chế xuất (KCX), Khu kinh tế (KKT), Khu công nghệ cao (KCNC) các tỉnh, thành phía Nam đã được tổ chức tại Khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi). Với tinh thần thẳng thắn, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những rào cản, vướng mắc ảnh hưởng đến sự phát triển của các Ban quản lý KCN, KCX, KKT, KCNC.
Hội nghị giao ban CLB Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế, Khu công nghệ các tỉnh phía nam.
Các đại biểu dự hội nghị cho rằng, Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về quản lý các KCN và KKT chưa phải là khung pháp lý cao nhất nên một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý KCN, KKT vẫn trong tình trạng bị một số Luật khác chi phối; đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn về việc thành lập, phân loại, xếp hạng và tổ chức lại KCN, KKTvà thẩm định Đề án thành lập, tổ chức lại Ban quản lý KCN, KKT.
Theo ông Nguyễn Minh Tài - Trưởng Ban quản lý Khu KKT Dung Quất và KCN Quảng Ngãi, tại Điều 13 Luật Đầu tư 2014 quy định: Những quy định nào mới có lợi cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp được hưởng cái lợi đó, còn cái nào thiệt hơn quy định cũ thì doanh nghiệp vẫn hưởng theo quy định cũ.
Tuy nhiên, việc thực hiện cái này còn khó, chưa rạch ròi. KKT Dung Quất nằm ở địa bàn đặc biệt khó khăn nhưng khi có cơ hội thì không thể tận dụng được nên đề nghị các Bộ nên soạn thảo quy định cụ thể cho từng khu vực, từng vùng, không nên áp đặt theo kiểu chỗ thuận lợi cũng như chỗ khó khăn, chỗ giá trị cao cũng như chỗ giá trị thấp sẽ không phù hợp.
Một nghịch lý nữa là, quy hoạch KCN đã được Thủ tướng Chính phủ ký nhưng khi thu hồi đất lúa (nếu diện tích hơn 10ha) lại tiếp tục xin ý kiến Thủ tướng thì thời gian kéo dài, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
KKT Dung Quất, một trong những nơi thu hút đầu tư tốt nhất trong cả nước hiện nay
Ông Phan Viết Hùng - Phó trưởng ban quản lý KKT Bình Định chia sẻ: “Muốn phát triển đòi hỏi phải năng động, sáng tạo, đổi mới nhưng cứ phụ thuộc vào quy định pháp luật của Nhà nước thì rất là khó. Các Bộ, ngành phải nghiên cứu thật kỹ, phân cấp nhiều hơn nữa; tỉnh cũng nên chuyển quyền cho các Ban quản lý nhiều hơn thì mới đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Đôi khi các Ban quản lý muốn vận dụng một cách linh hoạt những cách nghĩ, cách làm mới vào hoạt động chuyên môn nhưng lại sợ vượt ra ngoài cái “khuôn khổ” định sẵn lại thôi, cứ như thế thì chẳng biết đến khi nào mới phát triển”.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Năng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ban quản lý KCN, CCX, KKT, KCNC các tỉnh, thành phía Nam thì giá đất hiện nay vẫn chưa được tính một cách đầy đủ, hợp lý và bất hợp lý hơn là các ngành cứ xem giá đất nông nghiệp như giá đất khu dân cư. Nguyên nhân chính là do sự chồng chéo, mâu thuẫn trong việc điều hành gây tác động rất lớn cho hoạt động của các BQL.
Tại hội nghị, ông Vũ Quốc Huy - Vụ phó Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) ghi nhận những đóng góp, kiến nghị của các Ban quản lý và cam kết sẽ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Nghị định 82, sớm ban hành các thông tư hướng dẫn. Đồng thời, xây dựng Luật Khu công nghiệp, Khu kinh tế để tháo gỡ dứt điểm những vướng mắc đang gặp phải. Bộ cũng đã có Đề án thu hút, sàng lọc dự án đầu tư nước ngoài cộng với những cơ chế ưu đãi mới; bổ sung thêm bộ phận đăng ký kinh doanh tại văn phòng các Ban quản lý KCN, KKT để giải quyết các vấn đề liên quan đến KCN, KKT.
Nhân dịp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao Cờ thi đua xuất sắc cho các tập thể cá nhân các Ban quản lý KCN, KKT khu vực các tỉnh phía Nam.