KTĐT - Ngày 9-11, một văn bản ngay lập tức thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh là quy định về số lượng trẻ mầm non/lớp do Bộ GD-ĐT đưa ra với mức tối đa là 35 trẻ. Trong khi nhiều phụ huynh mong ngóng quy định này có hiệu lực thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng Bộ quá xa rời thực tế khi đưa ra con số này.
Có nên mừng với hướng dẫn mới?
Với dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp giáo dục ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập vừa được Bộ GD-ĐT đưa lên mạng để lấy ý kiến đóng góp, rất nhiều phản hồi từ phía phụ huynh đã được đưa ra thể hiện sự quan tâm cũng như những bức xúc đối với bậc học này. Theo dự thảo thông tư này, các địa phương sẽ phải bố trí biên chế giáo viên đối với nhóm trẻ độ tuổi từ 3 đến 12 tháng tuổi không quá 4 cháu/cô và không quá 15 trẻ/nhóm. Nhóm trẻ của độ tuổi từ 13 đến 24 tháng tuổi có không quá 10 cháu/cô và không quá 20 cháu/nhóm. Nhóm trẻ của độ tuổi từ 25 đến 36 tháng tuổi có không quá 15 cháu/cô và không quá 25 cháu/nhóm. Đối với lớp mẫu giáo học 2 buổi/ngày: 2,5 giáo viên/lớp. Trong đó, lớp mẫu giáo của độ tuổi từ 3 đến 4 tuổi có không quá 25 trẻ/lớp, lớp mẫu giáo của độ tuổi từ 4 đến 5 tuổi có không quá 30 trẻ/lớp, lớp mẫu giáo của độ tuổi từ 5 đến 6 tuổi có không quá 35 trẻ/lớp.
Hiện trạng quá tải vẫn tồn tại ở nhiều trường mầm non trên cả nước |
Việc xây dựng định mức biên chế này theo Bộ GD-ĐT được thực hiện trên nguyên tắc phù hợp với đặc điểm về công tác giáo dục, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và quy mô phát triển của từng cơ sở giáo dục mầm non. Đồng thời, biên chế trong các cơ sở giáo dục mầm non phải đảm bảo thực hiện được nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định của Bộ GD-ĐT. Như vậy, có thể thấy với 2,5 giáo viên một lớp thì các cô chỉ có thể đảm bảo thực hiện đúng nhiệm vụ của mình cũng như yêu cầu về chất lượng chăm sóc trẻ nếu lớp học không quá mức quy định cao nhất về sĩ số là 35 trẻ trong 1 lớp học. “Nếu được thực hiện theo đúng như thông tư này thì tốt quá vì hiện nay tôi đang sống trên địa bàn thị xã Chí Linh - tỉnh Hải Dương, có con nhỏ đang học lớp 3 tuổi ở một trường công lập đạt chuẩn quốc gia của thị xã. Lớp học của cháu có tới 45 cháu mà chỉ có 2 cô giáo. Như vậy việc dạy, học và chăm sóc các cháu sẽ không đảm bảo” - một phụ huynh đã ngay lập tức phản hồi thông tin về dự thảo này của Bộ.
Quy định một đằng-thực tế một nẻo
Vụ việc đáng tiếc gần đây nhất gây chấn động trong ngành giáo dục cũng như dư luận xã hội lại liên quan đến bậc học mầm non khi cô giáo vì quá bức xúc do trẻ biếng ăn đã nhốt trẻ vào thang máy dùng để vận chuyển thức ăn và nhấn nút vận chuyển khiến cậu bé 4 tuổi này bị thương nghiêm trọng. Lỗi thuộc về cô giáo đã rõ nhưng nguyên nhân dẫn đến hành động nóng giận này là điều cần tìm hiểu kỹ khi mà các cô giáo mầm non đang hàng ngày phải chịu sức ép công việc quá lớn và thu nhập lại không xứng đáng. Hơn ai hết phụ huynh đang hết sức lo lắng về tình trạng quá tải trong trường mầm non mà họ bắt buộc phải chấp nhận, trong khi nguy cơ tiềm ẩn rủi ro từ thực trạng này là quá lớn.
Cũng chính vì vậy nên khi văn bản này của Bộ GD-ĐT được đưa lên mạng để lấy ý kiến góp ý thì các bà mẹ đã nhiệt tình hưởng ứng ngay. Tuy nhiên, cũng rất nhiều người cho rằng văn bản này quá xa rời thực tế, không khả thi. Một phụ huynh có con học trường Mầm non Hoa Hướng Dương, phường Cống Vị, quận Ba Đình cho biết, “Cháu học lớp nhà trẻ có 80 cháu, diện tích lớp 40-50m2, có 3 cô giáo. Tôi thấy tình hình chung là tất cả các trường mầm non công lập cũng như dân lập đều thiếu diện tích và giáo viên theo đúng tiêu chuẩn. Từ khi nắm được thông tin có các bé mầm non bị cô giáo ngược đãi, tôi thấy lo sợ. Cháu nhà tôi nói đến đi học là khóc, một lần cháu bị "đi nặng" ở lớp, các cô mắng cả bố mẹ lẫn cháu. Nghe xong, chỉ biết nói "vâng ạ". Tôi mong ngành giáo dục cần thanh tra, kiểm tra nghiêm khắc để phụ huynh chúng tôi gửi con được yên tâm”.
Còn chị Nhung có con học ở trường Hoàng Văn Thụ thì phê bình thẳng thắn “Bộ không đi sâu vào thực tiễn sao? Các trường công hiện giờ trung bình từ 50 - 60 cháu 1 lớp. Trường mầm non Hoàng Văn Thụ nơi cháu nhà tôi học cũng có 2 lớp từ 3-4 tuổi; 60 cháu 1 lớp có 2 cô giáo và 1 giáo sinh thực tập”. Nêu lên thắc mắc chung của phụ huynh, một phụ huynh đặt vấn đề “ theo quy định thì như vậy, nhưng thực tế ở trường của con tôi đi trẻ đông lắm, 50 cháu 1 lớp. Vậy kiến nghị với ai về lớp đông như vậy?”. Vậy phải chăng những quy định của Bộ GD-ĐT nêu ra chỉ để làm quy định cho mọi người biết, còn thực hiện như thế nào thì lại phó mặc cho hoàn cảnh thực tế?