Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng: Xây dựng chuẩn mực văn hóa Hà Nội

Bài, ảnh: Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 2 năm triển khai, Quy tắc ứng xử (QTƯX) nơi công cộng đã có những tác động tích cực đến nhận thức của người dân Hà Nội.

Ở những nơi công cộng như bến xe, bệnh viện, chung cư... hiện tượng nói bậy, xả rác bừa bãi, chen lấn xô đẩy đã được hạn chế. Tuy nhiên, thời gian gần đây vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc ứng xử nổi cộm tại các chung cư, nhà hàng. Đây cũng là bài toán đối với cơ quan quản lý, bài học đối với nhiều người dân trong việc điều chỉnh hành vi nơi công cộng.
Bài 1: Những chuyển biến tích cực
Nơi tập kết rác thải biến thành vườn hoa, bốt điện trở thành nơi tuyên truyền QTƯX, điểm họp chợ trên sân chơi của trẻ em được xóa bỏ..., đó là một trong số những kết quả của việc triển khai QTƯX nơi công cộng thời gian qua trên địa bàn Hà Nội.
Từng bước gặt hái kết quả
Năm 2017, Hà Nội bắt đầu ban hành và thực hiện QTƯX nơi công cộng trên. Thời điểm đó đã có không ít băn khoăn, lo ngại về công tác tổ chức thực hiện, hiệu quả của quy tắc này. Thế nhưng, sau 2 năm triển khai, với sự nỗ lực của chính quyền và người dân Thủ đô, hành vi ứng xử của người dân đã có nhiều chuyển biết tích cực.
Người dân hưởng ứng mô hình ''5 không'' góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp.
Cụ thể, hàng loạt mô hình sáng tạo trong tuyên truyền, thực hiện QTƯX được triển khai, lan tỏa như: Đề án “Đẹp” ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh. Theo Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Thị Lương: Đề án “Đẹp” được UBND xã phát động nhằm góp phần thay đổi diện mạo các điểm sinh hoạt cộng đồng, khu dân cư, cơ quan, trường học.
Từ khi triển khai, đề án nhận được sự hưởng ứng của nhiều người dân góp phần đưa phong trào lan tỏa. Nhiều nơi, người dân tự nguyện bỏ công sức, kinh phí để nhân rộng đường hoa tới tận từng ngõ xóm, ngôi nhà. Không chỉ hình thành các tuyến đường hoa, phong trào còn góp phần xóa bỏ nhiều điểm tập kết rác thải bừa bãi, khu vực bị chiếm dụng trái phép. Sự đón nhận các QTƯX của cán bộ, người dân Cổ Loa không chỉ thể hiện ở những thay đổi trong hành vi, lời nói mà còn ở lối ứng xử có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng.
Trên địa bàn quận Đống Đa, trước đây, người dân tại các khu tập thể cũ như Kim Liên, Trung Tự thường xuyên xả rác bừa bãi nơi công cộng. Hàng quán, chợ cóc bày bán tràn lên sân chơi, lấn chiếm không gian chung.
Nhưng đến nay, sau khi một số khu sân chơi (C5 - C6, C13 tập thể phường Kim Liên) được đầu tư sửa chữa, lắp đặt bảng QTƯX nơi công cộng, ý thức người dân đã có thay đổi lớn. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều chân rác tồn tại trước đây được xóa bỏ. Người dân đã đổ rác tập trung tại các thùng rác được nhân viên môi trường lắp đặt.
 Đề án ''Đẹp'' ở xã Cổ Loa (huyện Đông Anh) được người dân hưởng ứng trồng hoa, cải tạo cảnh quan nơi công cộng. 
Cùng với đó, hiện tượng tự ý họp chợ, để xe lên sân chơi đã giảm thiểu. Nhờ đó, không những môi trường sạch đẹp, có không gian để vui chơi mà trong cách giao tiếp, ứng xử của mọi người với nhau cũng vui tươi, phấn khởi hơn.
Còn ở quận Thanh Xuân, mô hình “5 không” - Tổ dân phố không có rác thải; không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; không vi phạm trật tự xây dựng; không phát sinh mới về tệ nạn xã hội; không còn hộ nghèo đang được triển khai đã đem lại nhiều kết quả.
Đơn cử theo ghi nhận tại phường Hạ Đình, các khu vực chân rác - tập kết rác thải hầu hết đã được xóa bỏ và trồng cây xanh để làm đẹp cảnh quan như tại ngách 17, 32 ngõ 342 đường Khương Đình. Tại những địa điểm trên, khu dân cư số 3 đã vận động người dân, tổ chức đoàn thể tiến hành chỉnh trang, sơn tường (cao 2m), lắp đặt biển tuyên truyền “5 không”, vẽ tranh bích họa. Nhân dân trong tổ đã dỡ bỏ 180 biển quảng cáo rao vặt treo trên cáp điện, bóc hàng ngàn giấy quảng cáo dán tường và các cột điện trong địa bàn tổ dân phố.
Hay như ở quận Cầu Giấy, hàng trăm bốt điện đã được chỉnh trang, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt để thay vào đó là hình ảnh gắn với việc tuyên truyền QTƯX nơi công cộng. Bước đầu, việc làm trên góp phần cải tạo cảnh quan đô thị, thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi.
Thực hiện chỉ đạo của UBND quận Cầu Giấy, Quận đoàn và UBND phường Dịch Vọng, Đoàn Thanh niên phường đã ra quân bóc quảng cáo rao vặt trái phép trên các bốt điện, chỉnh trang lại bằng hình vẽ bắt mắt. Hiện nay, Đoàn Thanh niên phường đã thực hiện bóc quảng cáo rao vặt được gần 100 bốt điện trên 5 tuyến phố gồm Khúc Thừa Dụ, Tô Hiệu, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Khánh Toàn và trục đường Cầu Giấy.
Vẫn còn hiện tượng đáng xấu hổ
Sau một thời gian triển khai QTƯX nơi công cộng, không thể phủ nhận tại nhiều địa phương, sở, ngành đã rất nỗ lực, sáng tạo nhằm đưa các QTƯX vào cuộc sống. Mặc dù vậy, ở nhiều nơi công cộng, tập trung đông người như chung cư, bến xe, bệnh viện, ý thức tự giác trong việc thực hiện QTƯX còn mang tính hình thức, thiếu tính đồng bộ, thậm chí nhếch nhác.
Đơn cử, cuối năm 2018, Đoàn kiểm tra về QTƯX của TP Hà Nội kiểm tra tại Nhà văn hóa thôn Đản Dị (xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh). Bảng niêm yết bộ QTƯX được lắp đặt ở cuối phòng, cùng chỗ chồng xếp bàn ghế, biển quảng cáo kém trang trọng, khuất tầm nhìn, ít được người dân quan tâm.
Tại đình làng Tó (xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh), bộ QTƯX được dán bằng băng dính lên cửa đình thiếu thẩm mĩ nên đoàn kiểm tra yêu cầu chính quyền địa phương có địa điểm lắp đặt bảng ở một vị trí riêng, phù hợp với không gian văn hóa. Ngay sau khi đoàn kiểm tra nhắc nhở, xã Uy Nỗ đã phải chấn chỉnh các sự việc trên.
Tại nhiều khu di tích lịch sử như Cổ Loa (Đông Anh), khi có các đoàn khách du lịch, học sinh đến tham quan thực tế, trải nghiệm các chương trình giáo dục di sản, hàng loạt hàng quán, người bán hàng rong lại đeo bám mời mua hương vàng, đồ lưu niệm tạo nên hình ảnh nhốn nháo, thiếu văn minh, trang nghiêm.
Tuy nhiên, nơi nhiều người dân bức xúc, phản ánh về ứng xử thiếu văn minh nhất phải kể đến là ở những khu vực các bến xe. Tại bến xe Giáp Bát, khi được hỏi về ý thức - văn hóa ứng xử nhiều người chỉ lắc đầu ngao ngán.
Giám đốc Bến xe Giáp Bát - Nguyễn Tất Thành cho biết: “Bảng QTƯX nơi công cộng đã được gắn ở nhiều địa điểm trong bến xe. Hàng ngày chúng tôi cũng thường xuyên dành thời lượng để tuyên truyền QTƯX thông qua loa phát thanh nhưng vẫn có trường hợp hành khách tranh cãi với nhân viên bến xe vì lý do “trời ơi” như: Không muốn mua vé ở quầy mà muốn vào thẳng bến để lên xe trả tiền mặt, đỡ phải xếp hàng. Đứng đón xe ở cổng ra gây mất an toàn giao thông, ùn tắc. Khi bị lực lượng chức năng nhắc nhở, hành khách có nhiều lời lẽ xúc phạm, thiếu tôn trọng.
Ngoài ra, trong khu vực bến xe còn có tình trạng nhiều lái, phụ xe xả rác, vệ sinh bừa bãi. Chúng tôi đã nhắc nhở, xử phạt hành chính thậm chí cấm hoạt động đối với những nhà xe, lái, phụ xe có hành vi tái phạm”.
Có thể thấy, sau 2 năm triển khai QTƯX tại nơi công cộng, người dân Thủ đô đã có nhiều bước chuyển biến tích cực trong thói quen sinh hoạt. Phần đông người dân đều cảm nhận nội dung QTƯX và những chương trình, kế hoạch được triển khai tại các khu dân cư đều thiết thực và gần gũi. Tuy nhiên, để hạn chế những hành vi xấu và QTƯX nơi công cộng thực sự bén rễ sâu vào trong đời sống vẫn cần có sự nêu gương, đồng thuận của cả cộng đồng.

(Còn nữa)