Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, Bộ này đã trình Chính phủ ban hành 12 Nghị định về các biểu thuế ưu đãi cho các đối tác trong 12 hiệp định giai đoạn 2018 – 2023. Các Hiệp định đang tiến gần tới năm hoàn thành lộ trình xóa bỏ thuế gồm ASEAN - Trung Quốc (2020), ASEAN - Hàn Quốc (2021), ASEAN - Úc - New Zealand (2022) đạt tỷ lệ tự do hóa cao, khoảng 90% vào năm 2019.
Cùng kết thúc lộ trình vào năm 2029, tỷ lệ tự do hóa năm 2019 của Việt Nam trong FTA Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt 85,63%, trong khi tỷ lệ này trong FTA Việt Nam - Chile mới chỉ đạt 31,73%. Còn lại, các Hiệp định đạt tỷ lệ tự do hóa trung bình khoảng 60% trong năm 2019 như ASEAN - Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chi-lê, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Trong số 12 Hiệp định đang thực hiện, CPTPP là Hiệp định mới nhất được thực thi của Việt Nam. Về cam kết thuế xuất khẩu trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu, cơ bản theo lộ trình từ 5 - 15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Một số nhóm mặt hàng quan trọng (như than đá, than non, dầu thô, vàng,...) được tiếp tục duy trì thuế xuất khẩu.
Về cam kết thuế nhập khẩu trong Hiệp định CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% số dòng thuế. Theo đó, 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình xóa bỏ thuế tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan... Ngoài cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình, Việt Nam và các nước thành viên CPTPP cam kết miễn thuế đối với các trường hợp như: Hàng hóa tái nhập khẩu sau khi được sửa chữa hoặc thay thế; hàng tạm nhập khẩu để sửa chữa hoặc thay thế mà không thay đổi đặc tính cơ bản của sản phẩm; hàng mẫu thương mại có giá trị không đáng kể và ấn phẩm quảng cáo; hàng tạm nhập là các thiết bị chuyên ngành... Các giao dịch điện tử, bao gồm các nội dung được truyền đưa bằng phương thức điện tử cũng được miễn thuế nhập khẩu.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí về việc số thu thuế nhập khẩu có xu hướng giảm do thực thi các hiệp định thương mại sẽ ảnh hưởng ra sao tới nguồn thu ngân sách, Phó Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) Lê Mạnh Hùng cho biết, việc cắt giảm thuế quan đang khiến tỷ trọng thuế nhập khẩu trong tổng số thu của ngành Hải quan giảm dần. Cụ thể, số thu thuế nhập khẩu đã giảm từ mức gần 22% (năm 2017) xuống 16,7% năm 2019. Tuy nhiên, việc cắt giảm thuế theo các Hiệp định chỉ điều chỉnh thuế nhập khẩu nên tác động đến nguồn thu không quá lớn.
Tính toán cho thấy, năm 2018, số thuế thu từ hoạt động nhập khẩu giảm khoảng 29.000 tỷ đồng, 11 tháng năm 2019, giảm 13.000 tỷ đồng.
Tổng số hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán là 20 hiệp định, trong đó 12 hiệp định đang thực thi (ASEAN, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc, ASEAN - Úc – New Zealand, ASEAN - Ấn Độ, ASEAN - Nhật Bản, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Chile, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); 2 hiệp định có hiệu lực trong năm 2019 (Việt Nam - Campuchia, ASEAN - Hồng Công, Trung Quốc); 2 hiệp định đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực (Việt Nam - EU, Việt Nam - Cuba); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã kết thúc đàm phán lời văn của 20 Chương và kết thúc cơ bản các vấn đề mở cửa thị trường (trừ Ấn Độ) và 3 hiệp định đang đàm phán (bao gồm Việt Nam – Isarel, Việt Nam - EFTA, và Việt Nam - Anh). |