Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thuế, phí chồng chất: Giấc mơ ô tô giá rẻ xa vời

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo lộ trình của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ 1/1/2017, thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc sẽ giảm còn 30%, và xuống 0% vào ngày 1/1/2018, khiến nhiều người tiêu dùng hy vọng giá xe ô tô trong nước sẽ giảm.

Tuy nhiên, niềm mong mỏi này khó thành hiện thực khi thuế, phí chồng chất, tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam quá thấp…
Chịu nhiều loại thuế, phí

Thực tế hiện nay, khi mua xe, người tiêu dùng phải chịu đến 4 loại thuế và 11 loại phí. Cụ thể: Thuế nhập khẩu linh kiện (10 - 30%), xe nguyên chiếc (50 - 70%); thuế tiêu thụ đặc biệt (40 - 60% tùy dung tích xe); thuế giá trị gia tăng (10%), ngay cả thuế thu nhập DN (22%) cũng được tính vào giá xe. Sau khi được bán ra thị trường, ô tô tiếp tục phải "cõng" thêm nhiều loại phí lưu hành như phí trước bạ xe du lịch (10 - 15%). Người dân 2 TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để được cấp biển số ô tô dưới 10 chỗ phải nộp từ 2 - 20 triệu đồng, còn các địa phương từ 150.000 đồng - 1 triệu đồng mỗi xe. Để được lưu thông trên đường, ô tô còn phải chịu phí kiểm định với mức 240.000 - 560.000 đồng/lần; lệ phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật 50.000 - 100.000 đồng/lần.
 Khách hàng tìm hiểu về dòng xe nhập khẩu trong triển lãm ô tô tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Đơn cử, khi mua xe Ford EcoSport phiên bản Titanium sẽ chịu mức chi phí như sau: Giá bán xe của Ford Việt Nam là 681 triệu đồng, nhưng tổng các loại thuế và phí người mua phải đóng thêm hơn 80 triệu đồng, nên sẽ có giá khoảng 764 triệu đồng. Ngay cả xe ô tô giá rẻ do Ấn Độ sản xuất như Grand i10, Suzuki Ertiga… có giá bình quân khi về đến cảng chỉ 6.924 USD (154 triệu đồng/xe) nhưng sau khi chịu các loại thuế và phí, đến tay người tiêu dùng lên tới 350 - 500 triệu đồng/xe. Từ 1/7/2016, thuế nhập khẩu ô tô chính thức giảm, nhưng sau đó, Bộ Tài chính đã thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt bao gồm giá thành sản xuất, chi phí bán hàng, quản lý, đóng gói, quảng cáo, trưng bày, vận chuyển, bảo hành... khiến giá xe tăng từ 10 - 15%, đúng bằng so với mức giảm thuế nhập khẩu cho các dòng xe dung tích nhỏ. Điều này khiến nhiều người lo ngại, từ nay đến năm 2018, khi thuế nhập khẩu xe ô tô về 0%, không biết còn bao nhiêu loại thuế, phí được tiếp tục "đẻ" ra? Nhiều thành viên diễn đàn OtoFun tổng kết, một năm chủ nhân có thể sẽ phải chi tới 10 triệu đồng cho các loại phí nếu muốn "nuôi" xe ở Việt Nam.

Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển

Giá xe ô tô quá đắt còn do tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm chưa phát triển đủ đáp ứng nhu cầu DN lắp ráp. Năm 1995, ngành ô tô Việt Nam đã manh nha phát triển bằng sự ra đời của liên doanh Công ty Toyota Việt Nam. Với quyết tâm nội địa hóa các dòng xe ô tô sản xuất tại Việt Nam, Chính phủ đã nhiều lần phê duyệt Quyết định phát triển ngành công nghiệp này.

Ban đầu là Quyết định 175/2002/QĐ-TTg và Quyết định 177/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu đến năm 2005, các DN ô tô phải đạt tỷ lệ nội địa hóa dòng xe phổ thông là 40%, năm 2010 đạt 60%; đối với xe cao cấp, tỷ lệ nội địa hóa đến năm 2010 đạt 35 - 40%. Năm 2007, Chính phủ quyết định xếp công nghiệp ô tô là công nghiệp mũi nhọn và đưa ra nhiều ưu đãi chính sách, thuế đất, phí nhập khẩu… Ưu đãi nhiều nhưng đến nay, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt bình quân từ 7 - 10% và chủ yếu chỉ tập trung ở những chi tiết, phụ tùng đơn giản. Còn những mục tiêu thể hiện sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô như: Sản xuất động cơ, hộp số, cụm truyền động... đều thất bại. Đây là một trong những lý do khiến Việt Nam chưa thể thực hiện được giấc mơ nội địa hóa ô tô. Nguyên nhân là bởi ngành công nghiệp hỗ trợ sau hàng chục năm xây dựng hầu như không phát triển, hiện cả nước có khoảng 210 DN sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng ô tô, bằng 1/5 Indonesia và 1/8 Thái Lan. Trong khi đó, theo tính toán, một DN sản xuất ô tô cần tối thiểu 20 nhà cung cấp các loại linh kiện, nhưng hiện nay chưa DN lắp ráp ô tô nào tại Việt Nam có được.

Nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, tháng 7/2014, Chính phủ phê duyệt Quyết định 1211/QĐ-TTg về Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, đến năm 2020, xe ô tô đến 9 chỗ - ô tô tải phải có tỷ lệ nội địa hóa thấp nhất là 30%, cao nhất là 45%, năm 2025 là 40 - 70%, năm 2030 là 50 - 75%, xe chuyên dùng thấp nhất là 25 - 60%. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vẫn chưa nghiên cứu xong cơ chế, chính sách để hướng dẫn thực hiện quyết định này.

GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Các DN có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng: Việt Nam không thể có một ngành công nghiệp ô tô đúng nghĩa nếu như một bộ khuyến khích, bộ kia lại tìm mọi cách thu thật nhiều loại phí, thậm chí hạn chế vì những lý do như hạ tầng chưa đảm bảo, lo ùn tắc giao thông... Đã có chiến lược, quy hoạch phát triển ngành ô tô thì phải cụ thể ra bằng các kế hoạch 5 năm, trong đó phân công rõ bộ này làm gì, bộ kia làm gì, rồi việc gì DN làm...

Theo ông Đào Phan Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI): Việt Nam cần học Malaysia, Ấn Độ trong việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho DN nội địa hóa ngành ô tô: “Tại Malaysia, một nhà sản xuất ô tô được Chính phủ khuyến khích bằng cách cho hưởng mức giảm thuế tiêu thụ đặc biệt tương ứng với mức tăng tỷ lệ nội địa hóa”. Bên cạnh đó, các chính sách, thông tư hướng dẫn liên quan đến ngành ô tô không nên thay đổi quá nhanh; trước khi ban hành cần được tham khảo ý kiến của những đối tượng có liên quan, đặc biệt là các chuyên gia trong ngành ô tô.