Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thuốc “đặc trị” cho giải ngân vốn đầu tư công

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tục các Hội nghị làm việc với các bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài trong những tháng còn lại của năm 2021 đã được Bộ Tài chính tổ chức trong một tuần qua. Việc Bộ này sốt ruột với công tác giải ngân là hoàn toàn có cơ sở khi tỷ lệ giải ngân 6 tháng đạt ở mức rất thấp. Sự chậm trễ này ảnh hưởng đến việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2021.

 Ảnh minh họa
Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, đến giữa tháng 6, tỷ lệ giải ngân của các bộ, ngành mới đạt 7,53% so với dự toán được giao; 8/13 bộ, ngành chưa hoàn thành kế hoạch. Đối với giải ngân khối địa phương, tính đến tháng 5 cũng chỉ đạt 1,73% dự toán, trong đó, vốn bổ sung có mục tiêu của Ngân sách Trung ương giải ngân bằng 1,77% kế hoạch vốn được giao đầu năm và vốn cho các địa phương vay lại giải ngân bằng 1,68% kế hoạch vốn được giao đầu năm. Trong 63 tỉnh, TP thì có đến 37 tỉnh, TP chưa giải ngân vốn.
Tác động của đại dịch Covid-19 đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài làm chậm tiến độ giải ngân của các Bộ, ngành, địa phương là nguyên nhân khách quan đã được nhiều địa phương, Bộ, ngành đưa ra. Bởi nhiều hoạt động sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi đều gắn với yếu tố nước ngoài từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu, tư vấn giám sát…

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của công tác giải ngân nguồn vốn này nằm ở những nút thắt liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng; chậm phê duyệt chủ tương đầu tư; các khó khăn trong việc xử lý quy định nhà tài trợ do những khác biệt với quy định của Chính phủ; thủ tục điều chỉnh dự án ODA thường kéo dài tới hàng năm nên ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giải ngân; ban quản lý dự án còn yếu kém, chưa nhiều kinh nghiệm…

Từ những nguyên nhân này, có thể thấy, cần sự quyết tâm hơn nữa từ chính các Bộ, ngành, địa phương chủ quản nắm nguồn vốn này. Làm sao để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai Dự án, làm sao để hỗ trợ Ban quản lý các Dự án hoàn thành hồ sơ giải ngân đáp ứng yêu cầu về tiến độ cũng như chất lượng nhanh nhất, theo đó, đẩy nhanh công tác giải ngân?

Phía Bộ Tài chính thừa nhận, trăn trở nhất của Bộ này là nhiều dự án không có khối lượng thực hiện để thực hiện thanh toán do chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng di dân tái định cư, tiến trình triển khai chậm; chậm xử lý đơn rút vốn; điều chỉnh dự án... Tựu chung lại là trình tự thủ tục kéo dài, làm cho dự án triển khai chậm.

Do vậy, muốn công tác giải ngân nguồn vốn này được thông, các cơ quan chức năng, các tỉnh, TP, các sở ngành liên quan cần chỉ đạo quyết liệt để Ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, các ngành liên quan cần tích cực phối hợp để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn từ nay đến cuối năm. Trong thời gian tới, cần ưu tiên cho những dự án có khả năng giải ngân và hoàn thành trong năm 2021 để đẩy nhanh tiến độ, có khối lượng hoàn thành. Các địa phương cần chủ động điều chỉnh phẩn bổ cho các dự án, trong phạm vi của địa phương.