Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thượng đỉnh Nga - Triều không quên "nhắc nhở" Mỹ

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một tuyên bố gây áp lực lên Mỹ của ông Kim Jong-un đã được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều Tiên vừa qua.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong thượng đỉnh Nga-Triều hôm 25/4 đã khẳng định hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên dựa hoàn toàn vào thái độ của Mỹ trong thời gian tới, theo Hãng thông tấn nhà nước KCNA.

Bình luận của ông Kim Jong-un nhằm gây áp lực buộc Mỹ phải linh hoạt hơn trong việc chấp nhận các yêu cầu của Bình Nhưỡng để giảm bớt các biện pháp trừng phạt, so với lập trường cứng rắn của Mỹ trong hội nghị thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội không đi đến được thỏa thuận chung.

 Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Thời điểm đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết, ông sẽ đợi đến cuối năm để Mỹ trở nên linh hoạt hơn.

“Tình hình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực đang rơi vào bế tắc, tiến đến khả năng trở lại điểm xuất phát – do thái độ đơn phương, thiếu tin tưởng của Mỹ trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai vừa qua”, KCNA dẫn lời ông Kim Jong-un.

Ông Kim Jong-un cũng gửi lời mời ông Putin đến Triều Tiên vào thời điểm thuận tiện và nhà lãnh đạo Nga đã chấp nhận, theo KCNA.

William Hagerty, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, nói với Washington rằng việc Triều Tiên liên hệ với Nga và Trung Quốc là một phần trong nỗ lực giảm nhẹ trừng phạt quốc tế.

“Thực tế việc ông Kim Jong-un gặp ông Vladimir Putin nhấn mạnh sự thật rằng các biện pháp trừng phạt đang có hiệu lực và đang gây áp lực lên kinh tế Triều Tiên”, theo ông Hagerty.

“Những gì chúng ta thấy là nỗ lực tìm cách đối phó (các lệnh trừng phạt). Cách đơn giản hơn nhiều để đối phó, là phi hạt nhân hóa”, ông nói.

Cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Triều, diễn ra tại TP Vladivostok của Nga hôm 25/4, dường như không mang lại bất kỳ đột phá lớn nào.

KCNA cho biết hai nhà lãnh đạo đã thảo luận chuyên sâu về phương thức hai bên thúc đẩy giao tiếp chiến lược và hợp tác chiến thuật trong tiến trình đảm bảo hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và khu vực.

Ông Putin nhấn mạnh về khả năng của một thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và cần tiến lên từng bước để tạo dựng niềm tin.

“Tuy nhiên bất kỳ sự bảo đảm nào của Mỹ cần được hỗ trợ bởi các quốc gia khác, liên quan đến các cuộc đàm phán 6 chiều trước đây về vấn đề hạt nhân”, ông Putin nói, đây được coi như cách ông chủ Điện Kremlin sử dụng hội nghị lần này để tăng cường sức mạnh ngoại giao Nga như một “người chơi toàn cầu”.

KCNA cho biết Nga và Triều Tiên đã nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong thương mại, kinh tế, khoa học và công nghệ.