Làm sao phát triển hệ thống thương mại - dịch vụ Thủ đô văn minh, hiện đại, làm trụ cột, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân đang là bài toán đặt ra với các nhà quản lý.
Cần những cơ chế, chính sách đặc thù
Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Ðinh Thị Mỹ Loan đánh giá, hệ thống thương mại của Hà Nội vẫn chưa phát huy hiệu quả xứng với tiềm năng sẵn có. Hầu hết các chợ được xây dựng từ nhiều năm trước, đã xuống cấp, không bảo đảm yêu cầu, nhưng công tác thu hút đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ chưa được quan tâm hoặc chưa tìm được sự thống nhất giữa chủ đầu tư và tiểu thương.
Ngoài ra, theo các DN, nhu cầu về chợ đầu mối hiện rất lớn, nhưng còn thiếu và bố trí chưa hợp lý. Nhiều chợ hạng 2, hạng 3 như chợ Long Biên, chợ đêm Văn Quán, chợ cá Yên Sở… hiện đang phải hoạt động như một chợ đầu mối, gây quá tải và không bảo đảm các yêu cầu về diện tích, an toàn.
Trên địa bàn hiện cũng chưa có các trung tâm thương mại quốc tế, trung tâm bán buôn lớn. Với loại hình thương mại Outlet, dù Hà Nội đã đề xuất, nhưng hiện Bộ Công Thương chưa có quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn dành riêng cho loại hình kinh doanh này.
Thực tế cho thấy, mặc dù trong quá trình phát triển, hệ thống bán lẻ đang gặp một số khó khăn nhưng vẫn còn nhiều lý do để lạc quan về tương lai phát triển các trung tâm mua sắm. Đó là sự phát triển của kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa, nhu cầu không gian bán lẻ chất lượng cao, sức hút của trung tâm thương mại với các tiện ích và trải nghiệm mới…
Thông tin từ Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2024 ước tính đạt 70,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 544,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 344,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,4% tổng mức và tăng 10,4%.
Đẩy mạnh xã hội hóa
Tổng Giám đốc AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki cho biết, việc doanh thu ngành bán lẻ của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tăng trưởng mạnh mẽ là một trong những lý do khiến Tập đoàn AEON xem thị trường Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 sau Nhật Bản để phát triển hoạt động kinh doanh.
Mục tiêu của AEON đến năm 2030 là mở 30 trung tâm mua sắm tại Việt Nam, tập trung tại các TP lớn, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Ngoài các trung tâm mua sắm lớn, AEON Việt Nam sẽ phát triển các mô hình bán lẻ đa dạng.
“Chúng tôi vừa ra mắt trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị tinh gọn đầu tiên tại Hà Nội, đồng thời đang nhân rộng mô hình siêu thị vừa và nhỏ AEON MaxValu, hướng tới đạt 100 siêu thị đến năm 2025” - ông Furusawa Yasuyuki thông tin.
Thông tin tư Sở Công Thương Hà Nội, thời gian tới, Hà Nội phấn đấu phát triển 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi, góp phần đưa ngành thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Thủ đô.
Thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị”, Sở Công Thương đã đề xuất mô hình trung tâm Outlet tại TP Hà Nội (đây là một loại hình thương mại đầu tiên tại Việt Nam) tại tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài với diện tích khoảng 39,45ha.
Để hoàn thành mục tiêu này, TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư các loại hình thương mại gồm chợ, siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm phù hợp với quy hoạch; hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn.
Đồng thời, TP tiếp tục hỗ trợ để tạo đột phá trong phát triển thương mại - dịch vụ trên cơ sở mở rộng quy mô, đa dạng hóa loại hình, nâng cao chất lượng, tương xứng với mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của vùng và cả nước.
Để phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại, ngành công thương Hà Nội đang kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại. Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, Sở Công Thương Hà Nội luôn hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng thương mại trên địa bàn TP nhất là các huyện ngoại thành.
Đồng thời khuyến khích các tổ chức mở rộng mạng lưới kinh doanh dịch vụ hiện đại gồm: trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng, máy bán hàng tự động… qua đó hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, văn minh để xây dựng Thủ đô không chỉ trở thành trung tâm thương mại lớn của cả nước, mà còn của khu vực Ðông Nam Á.