Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Thương nhớ ở ai”: Nét mới của phim truyền hình

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiếm có phim truyền hình nào được đầu tư kỹ lưỡng như “Thương nhớ ở ai”. Ê kíp làm phim bỏ ra hai năm để hoàn thành kỹ xảo cho khoảng 2.000 cảnh phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết “Bến không chồng”. Phim sẽ được phát sóng trên kênh VTV3 vào lúc 14 giờ 30 phút, bắt đầu từ ngày 4/11.

Thoát khỏi “Bến không chồng”
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh vốn nổi tiếng khó tính. Mỗi bộ phim của ông thường để lại những dấu ấn nhất định dù là điện ảnh hay truyền hình. Trước “Thương nhớ ở ai”, Lưu Trọng Ninh từng thành công với “Bến không chồng” - phim điện ảnh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Dương Hướng. Phim lấy bối cảnh ngôi làng Đông - một làng quê Bắc Bộ điển hình, đi qua hai cuộc chiến, nơi này vắng bóng đàn ông.

Một cảnh trong phim “Thương nhớ ở ai” – phiên bản mới của “Bến không chồng”.

Lần này, Lưu Trọng Ninh đã ấp ủ dựng lại tiểu thuyết dưới phiên bản điện ảnh truyền hình và điều khó nhất của ông là làm sao để bộ phim thoát khỏi thành công của “Bến không chồng" trước đó. “Tôi viết thử kịch bản năm tập và đưa cho đạo diễn Đỗ Thanh Hải đọc, anh ấy bảo thoát khỏi tiểu thuyết rồi” - Lưu Trọng Ninh kể. Ngay khi viết kịch bản, Lưu Trọng Ninh tạo nên nhiều tuyến nhân vật mới như Đột, Nương, Quất để bồi đắp thêm cho những mối quan hệ trong ngôi làng Đông, đặc biệt để khắc họa rõ nét hơn thân phận của những người phụ nữ ở nông thôn miền Bắc những năm 60, 70 của thế kỷ trước.
Dàn diễn viên trong phim cũng là điều thú vị với khán giả quá quen với phim nhựa “Bến không chồng”. Nhân vật anh bộ đội Vạn do Lâm Vissay thủ diễn. Vốn gắn với các vai diễn phản diện, đạo diễn giao cho anh một vai mới lạ để diễn viên tự cảm nhận và rũ bỏ hình ảnh quen thuộc. Nhân và Hơn là hai vai nữ chính theo đạo diễn rất nặng ký nhưng được giao cho hai gương mặt rất mới - Hồng Kim Hạnh và Ngọc Anh. Trong khi đó vai Nương được giao cho Thanh Hương – từng đóng phim “Người phán xử” - cũng hứa hẹn thú vị.
Nâng cao chất lượng phim truyền hình
Hai ngàn cảnh kỹ xảo - con số khá ấn tượng với một phim truyền hình Việt Nam, vốn luôn chạy đua với thời gian để tiết kiệm chi phí. “Đây là phim cầu kỳ nhất từ trước tới giờ. Từ khâu chọn cảnh chúng tôi mất chi phí thời gian gấp ba lần phim bình thường, đến tiền kỳ và bấm máy và sau đó là hậu kỳ và chỉnh màu. Thậm chí đến bây giờ chúng tôi vẫn tiếp tục hoàn thiện bộ phim khiến thời gian và chi phí đội lên đáng kể” - Giám đốc hình ảnh Hoàng Tích Thiện chia sẻ. Đồng đạo diễn Bùi Thọ Thịnh cũng thừa nhận, việc đầu tư bối cảnh và kỹ xảo rất cần thiết để khán giả cảm nhận được hình ảnh nông thôn chân thực, rất đẹp những năm 60 của thế kỷ trước.
Đoàn làm phim đã tìm tới 18 ngôi làng ở 6 tỉnh khác nhau từ Hà Tĩnh trở ra để làm nên không gian một ngôi làng Bắc Bộ điển hình. Đối với đạo diễn Lưu Trọng Ninh, ký ức về làng quê Việt Nam luôn hiện hữu nên không quá khó để ông chọn được những bối cảnh ưng ý. Xét về khối lượng có tới gần 2.000 cảnh cần xử lý kỹ xảo. “Dù chọn cảnh ưng ý nhưng làng quê Việt Nam bây giờ luôn dính yếu tố hiện đại như cột điện, đường bê tông. Chúng tôi phải nối không gian ở 6 tỉnh với nhau để tạo thành ngôi làng hoàn chỉnh. Anh em trong tổ kỹ xảo làm đi làm lại để có hình ảnh chất lượng nhất, thành ra phải mất tới hai năm. Tôi nghĩ rằng kết quả chưa phải hoàn toàn ưng ý, nhưng đây là bước đi đầu tiên trong quá trình nâng cao chất lượng phim truyền hình”.