Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thụy Điển, Phần Lan "nhượng bộ" gì để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một thỏa thuận đạt được sau 4 giờ hội đàm hôm 28/6 dẫn đến quyết định từ bỏ quyền phủ quyết của Ankara đối với tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan.

Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi bỏ quyền phủ quyết đối với nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, chấm dứt cuộc tranh luận kéo dài nhiều tuần - một bài thử nghiệm đối với sự thống nhất của liên minh trong việc phản đối Nga tấn công Ukraine.

Quang cảnh hội đàm giữa lãnh đạo NATO, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển hôm 28/6. Ảnh: Reuters
Quang cảnh hội đàm giữa lãnh đạo NATO, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển hôm 28/6. Ảnh: Reuters

Bước đột phá hôm 28/6 đạt được sau bốn giờ hội đàm ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO bắt đầu ở Madrid. Sự kiện quy tụ 30 nhà lãnh đạo ở thủ đô Tây Ban Nha để thể hiện một mặt trận thống nhất đối với Moscow, và bắt đầu quá trình đưa Phần Lan và Thụy Điển vào liên minh. 

Điểm lại quá trình này, hơn 1 tháng trước, vào giữa tháng 5, Thổ Nhĩ Kỳ đã gây bất ngờ cho các đồng minh NATO khi phản đối việc Phần Lan và Thụy Điển muốn gia nhập liên minh. Ankara yêu cầu các nước Bắc Âu ngừng hỗ trợ các nhóm vũ trang người Kurd, chẳng hạn như PKK, và dỡ bỏ lệnh cấm bán một số vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ nêu quan ngại rằng Thụy Điển đang chứa chấp các thành viên PKK, điều mà Stockholm bác bỏ.

NATO hoạt động dựa trên sự đồng thuận, do đó việc Thổ Nhĩ Kỳ-một thành viên của liên minh phản đối có thể gây cản trở cho việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập. 

Một thỏa thuận thống nhất sau cuộc hội đàm hôm 28/6 giữa lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Thụy Điển và NATO trở thành "chìa khóa" tháo gỡ thế bế tắc trên.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết các điều khoản của thỏa thuận liên quan đến việc Thụy Điển nhất trí phối hợp với các yêu cầu dẫn độ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các chiến binh tình nghi thuộc PKK và sửa đổi luật của Thụy Điển và Phần Lan theo hướng cứng rắn hơn với những thành phần này. 

Ông Stoltenberg cũng cho biết Thụy Điển và Phần Lan sẽ dỡ bỏ các hạn chế bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara ca ngợi thỏa thuận này là một chiến thắng. Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã “có được những gì họ muốn” từ thỏa thuận và điều đó có nghĩa là “hợp tác đầy đủ với Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại PKK và các nhánh".

Phần Lan và Thụy Điển cũng nhất trí “không áp đặt các hạn chế cấm vận trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng” đối với Thổ Nhĩ Kỳ và thực hiện “các bước cụ thể về việc dẫn độ tội phạm khủng bố”.

Theo giới quan sát, vẫn sẽ mất nhiều tháng để Phần Lan và Thụy Điển chính thức gia nhập NATO, vì việc gia nhập liên minh của họ cần được tất cả các quốc gia thành viên riêng lẻ phê chuẩn.

Các nước NATO, đã cam kết hỗ trợ quân sự hàng tỷ USD cho Ukraine, dự kiến sẽ đồng ý với một "gói hỗ trợ toàn diện cho Ukraine, để giúp nước này duy trì quyền tự vệ," ông Stoltenberg cho biết. 

Nga từng kiên quyết phản đối việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Tổ chức được thành lập vào năm 1949 với tư cách là một liên minh quốc phòng với mục tiêu chính là đối đầu với Liên Xô, và vẫn bị Nga coi là mối đe dọa.