[Tiếng dân] Sớm tìm mô hình thú y thích hợp

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số: 414/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030".

Mục tiêu của đề án là: “Hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp được kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực, bảo đảm tổ chức thực hiện các hoạt động thú y có hiệu lực, hiệu quả; kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chủ động hội nhập sâu rộng với quốc tế”.
Quá trình kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y từ T.Ư đến địa phương đã cắt giảm khoảng 6.400 cán bộ thú y. Theo mô hình mới, công tác thú y hiện giờ sẽ do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện, thành phố (gọi chung là UBND cấp huyện) đảm nhận. 10 nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn công tác trên địa bàn cấp xã sẽ do cán bộ của trung tâm này đảm nhận.
Đây là lần giảm nhân sự tiếp theo sau đợt năm 2018, khi đó chúng ta đã sắp xếp lại hệ thống thú y các cấp theo hướng giảm đầu mối, giảm số lượng người tham gia. Một thực tế đáng lo là hiện nay có rất nhiều lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện không có chuyên môn sâu về thú y nên không thể tham mưu chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quản lý chuyên ngành thú y.

Chúng ta còn nhớ dịch bệnh cúm gia cầm do virus H5N1 năm 2003 đã khiến 64 người thiệt mạng tại 15 tỉnh, thành. Ngành chăn nuôi gia cầm bị tổn thất nặng nề với hơn 38 triệu con phải tiêu hủy, chiếm 15,2% tổng đàn. Người chăn nuôi cả nước đã mất đi hơn 380 tỷ đồng, chưa kể hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước hỗ trợ công tác dập dịch và người chăn nuôi, gây tổn thất khoảng 0,5% GDP vào năm 2003 - 2004.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo có trên 75% các loại dịch bệnh nguy hiểm ở người có nguồn gốc động vật, điển hình như dịch Covid-19, SARS, MERS CoV, NIPAH, Ebola, cúm gia cầm, cúm lợn, dại, nhiệt thán, bò điên, liên cầu khuẩn, lao bò… Nên việc kiểm soát tốt dịch bệnh động vật của đội ngũ thú ý cũng là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe người dân.

Theo TS Nguyễn Văn Long  - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Phần lớn các tỉnh, thành phố phía Bắc không có đủ nguồn nhân lực để thực hiện việc kiểm soát giết mổ, chỉ kiểm soát được khoảng 30% trong tổng số 27.700 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ”. Việc giảm lực lượng cán bộ thú y cơ sở khiến nhiệm vụ này sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, tình trạng lạm dụng thuốc thú y trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ngày càng trở nên phổ biến, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Đây là những công việc mà lực lượng thú y cơ sở phải thường xuyên có mặt để giám sát việc giết mổ, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...

Đến nay đã có 36/63 tỉnh đã hoàn tất việc sát nhập trạm thú y huyện về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện đều gặp khó khăn, 12 tỉnh sau đó đã phải tái lập lại trạm thú y huyện. Làm thế nào để đưa ra mô hình thú y hoạt động “có hiệu lực, hiệu quả; kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chủ động hội nhập sâu rộng với quốc tế” là điều mà người dân đang rất quan tâm. Cần sớm có văn bản quy định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện theo quy định của Luật Thú y để không để hổng một lĩnh vực quan trọng, liên quan đến nhiều người.