Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp bài “Cung đường tử thần” trên Quốc lộ 5: Giải pháp nào hạn chế tai nạn?

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia giao thông đều có chung đánh giá, nguyên nhân chính khiến Quốc lộ (QL) 5, đoạn qua huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương bị biến thành “cung đường tử thần” là những lối mở sang đường ngày càng xuất hiện dày đặc. Cùng với đó là sự buông lỏng trong công tác quy hoạch, quản lý khu dân cư dẫn đến việc tổ chức giao thông gặp bất cập ngay từ khi bắt đầu triển khai.

“Cung đường tử thần” trên Quốc lộ 5: Tai họa được dự báo trước

 Hiện trường vụ xe tải đè chết 5 người trên QL 5. Ảnh: Nam Hải
Bộ trưởng Bộ GTVT nhiều lần chỉ đạo “nóng”

Ngay sau khi 3 vụ TNGT liên tiếp xảy ra trên QL 5, đoạn qua địa phận huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương khiến 7 người tử vong, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia đã đề nghị kiểm tra, khai thác camera ven QL 5, camera hành trình của ô tô chạy trên đường và thông tin của người dân để nhanh chóng xác định nguyên nhân vụ tai nạn; tổ chức kiểm tra điều kiện đăng ký, đăng kiểm của phương tiện. “Tới đây, Tổng cục Đường bộ phối hợp với đơn vị khai thác QL 5 khẩn trương khảo sát mặt đường qua địa bàn huyện Kim Thành, tiến hành lắp đặt các thiết bị phản quang, gờ giảm tốc tại các lối mở ra QL 5. Những lối mở không cần thiết thì phải đóng lại và những lối có nhiều người dân, xe cộ đi lại thì khẩn trương nghiên cứu, đề xuất làm cầu vượt" – Bộ trưởng Bộ GTVT nói về những giải pháp căn cơ sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Trong điều kiện thiếu kinh phí mở đường gom mà chưa làm tốt công tác tổ chức giao thông như cắm biển cảnh báo cần thiết, làm gờ hạn chế tốc độ ở lối mở, đường đấu nối QL. Đó là nguyên nhân khiến tai nạn giao thông trên các QL cũng như QL 5 phức tạp.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng

Đây không phải lần đầu tiên người đứng đầu ngành GTVT có những chỉ đạo "nóng" về những giải pháp đảm bảo ATGT trên QL 5. Còn nhớ, đầu năm 2019, khi vụ TNGT thảm khốc cướp đi sinh mạng của 8 người khi một chiếc xe tải lao thẳng vào đoàn người đi viếng nghĩa trang cũng xảy ra trên QL 5, đoạn qua địa phận huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã có những chỉ đạo nóng ngay tại địa phương. Theo nhận định của người đứng đầu ngành GTVT, khu vực xảy ra vụ TNGT là một “điểm đen” có cầu vượt cho người đi bộ, người dân thường đi trên làn xe thô sơ để lên cầu vượt. Do đó, Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát lại toàn bộ những khu vực có cầu vượt dành cho người đi bộ tương tự để chấn chỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) vì có một số làn vạch sơn không rõ.

Xác định rõ nguyên nhân

Nhận định về nguyên nhân 3 vụ TNGT xảy ra trong ngày 23/7, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, cả 3 vụ TNGT trên đều có điểm chung là xảy ra tại những lối mở đấu nối vào QL 5. Trong đó, vụ nghiêm trọng nhất khiến 5 người tử vong xảy ra khi các nạn nhân đứng chờ sang đường ở lối mở dải phân cách. Theo ông Khuất Việt Hùng, tình trạng TNGT ở tại những lối mở đấu nối vào QL không chỉ xảy ra ở QL 5 mà còn nhiều tuyến đường trọng điểm khác trên cả nước.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia đánh giá, tình trạng giao cắt và lối mở trên QL đã trở thành vấn đề dai dẳng đối với giao thông nước ta trong nhiều năm qua. Nguyên nhân chính xuất phát từ tình trạng quản lý lỏng lẻo trong xây dựng hành lang ATGT đường bộ, quản lý đấu nối, không tổ chức xây dựng đường gom, làm cầu vượt chưa tốt.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) chỉ rõ, “thủ phạm” chính gây ra những vụ TNGT trên QL 5 trong thời gian qua là những lối đi tự mở đấu nối với QL. Tuy nhiên, ông Trần Chủng khẳng định, nguyên nhân chính là việc buông lỏng trong công tác quy hoạch và quản lý khu dân cư, dẫn đến tình trạng khu dân cư xâm lấn, làm thay đổi bản chất của QL. “QL khác đường trong đô thị từ giải pháp về đèn chiếu sáng, thoát nước, yêu cầu về an toàn... Khi QL có tình trạng khu dân cư bám dọc đường cũng dẫn tới phải thay đổi những giải pháp này” – PGS.TS Trần Chủng nói và cho biết thêm, tình trạng để khu dân cư xâm lấn QL không chỉ tạo ra nhiều “điểm đen” TNGT tại những lối đi tự mở đấu nối mà còn là một rào cản cho sự phát triển kinh tế khi nó trực tiếp hạn chế tốc độ tối đa của các phương tiện trên QL. “Các khu dân cư bám QL khiến cho công tác bố trí, tổ chức giao thông trở nên bị động theo. Khi những bất cập không có giải pháp xử lý kịp thời thì nguy cơ mất ATGT là điều khó tránh” – PGS.TS Trần Chủng phân tích.

PGS.TS Trần Chủng khẳng định, sẽ khó có giải pháp nào hiệu quả và mang tính bền vững hơn việc nâng cao công tác quản lý và quy hoạch khu dân cư tại những địa phương có QL đi qua. Tất cả các địa phương đều phải chịu trách nhiệm chính nếu để cho tình trạng khu dân cư xâm chiếm đường trên địa bàn. “Trên thế giới, những rào chắn trên các tuyến cao tốc hay QL dựng lên chỉ mang tính chất ngăn không cho gia súc, gia cầm chạy vào đường và gây nguy hiểm cho người đi đường. Còn ở nước ta, không chỉ trên các tuyến QL mà ngay cả các tuyến cao tốc, việc xâm hại hệ thống rào chắn để làm lối đi tự mở đang là vấn đề nan giải và đáng báo động. Tình trạng này một phần xuất phát từ ý thức người dân nhưng cũng không thể không nói tới trách nhiệm của chính quyền các địa phương” – PGS.TS Trần Chủng nói.