Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp nối tinh thần Chính phủ hành động, kiến tạo

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018.

Điều này thể hiện rõ tinh thần quyết liệt, hành động ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
Rõ chỉ tiêu, đi sâu vào vấn đề nóng

Quan điểm xây dựng Nghị quyết là ngắn gọn, rõ ý, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung vào các vấn đề nóng như nợ công, giảm biên chế, các trạm BOT, chống tham nhũng, lãng phí, phấn đấu số DN thành lập, cổ phần hóa, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt ra một loạt các chỉ tiêu mới đối với các bộ, ngành và địa phương.

Nghị quyết 01/NQ-CP nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2018 là điều hành đồng bộ các chính sách vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Phấn đấu đến cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6% GDP. Kiểm soát bội chi ngân sách Nhà nước ở mức 3,7% GDP. Giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách Nhà nước, phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao, triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách. Bảo đảm cân đối xuất nhập khẩu, phấn đấu đạt tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu từ 8 - 10% so với năm 2017, kiểm soát nhập siêu dưới 3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.

Bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Việt Linh

Đặc biệt, giảm thời gian thực hiện thủ tục và chi phí hoạt động của người dân, DN; cắt giảm 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành, 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Phấn đấu thành lập mới 135.000 DN trong năm 2018, đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh… Phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015.

Điểm khác biệt rõ rệt nhất trong điều hành của năm nay là Chính phủ đã tập trung cao vào một số trọng điểm, trọng tâm và được cụ thể hóa chỉ tiêu bằng những con số. Nghị quyết 01 đã nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn và 242 nhiệm vụ cụ thể. Với từng công việc cụ thể, Nghị quyết cũng nêu rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, thời gian hoàn thành với một cơ chế rất rõ ràng từ việc giám sát, đánh giá tình hình thực hiện và quy trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương. “Điều này cho thấy, trong điều hành, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng cũng đã chú trọng lắng nghe tiếng nói từ thực tiễn, ý kiến của người dân, DN và các chuyên gia. DN, người dân thấy Thủ tướng hết sức tâm huyết với công việc, có quyết tâm cao, xông vào tận “chiến trường” xử lý cụ thể, quyết định nhanh, không e ngại các vấn đề nóng” - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ.

Sáng tạo, hiệu quả

Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Nghị quyết nêu rõ: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hoàn thiện thể chế về phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến 28/12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hãy sáng tạo và sáng tạo hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong thực thi nhiệm vụ, luôn tìm ra giải pháp tốt, tối ưu để đáp ứng yêu cầu năng động và cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh mới. Phải làm sao để sử dụng nguồn lực của dân ít nhất nhưng đem lại hiệu quả phục vụ Nhân dân tốt nhất.

TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận xét, phương châm mới của Chính phủ buộc những người lãnh đạo phải cẩn trọng hơn trong lựa chọn, xem xét toàn diện vấn đề để đưa ra quyết định tốt nhất. Có thể lâu nay những người lãnh đạo đã quen làm việc theo chỉ đạo từ cấp trên. Vì vậy, phương châm “sáng tạo” mà Thủ tướng đặt ra sẽ là một thách thức nhưng cũng là một động lực khuyến khích những ý tưởng mới, cách làm khác, nhất là ở cấp địa phương trong hoàn cảnh hiện tại.

Đồng lòng hành động mới thành công

Nghị quyết nhấn mạnh, các địa phương phải làm tốt cải cách hành chính, công tác dân vận, đối thoại và phục vụ chứ không dùng mệnh lệnh với dân. Tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp đề ra. Quốc hội, HĐND các cấp kiểm tra, theo dõi, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả quá trình thực hiện Nghị quyết. “Quan trọng nhất là tổ chức thực hiện, là một khâu yếu, một nút thắt cổ chai hiện nay, phải được tháo gỡ. Từ lời nói đến hành động, từ hội trường ủy ban, Tỉnh ủy đến dân, đến cơ sở phải giảm khoảng cách tốt hơn nữa, để từ đó tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 01 ở địa phương mình” - Thủ tướng nêu rõ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, trong năm 2018, Chính phủ tiếp tục đặt vấn đề kỷ cương, kỷ luật, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh” hay một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tỷ lệ cán bộ công chức hạn chế về năng lực. Sức mạnh sẽ được tạo ra khi Chính phủ nhận được sự đồng hành của người dân và DN. Để có được sự đồng hành thì yếu tố tiên quyết là niềm tin. Tuy nhiên, để “lực đẩy của xã hội” có thể thay cho “lực kéo của Thủ tướng” thúc đẩy bộ máy hiện hành cải cách mạnh hơn, Chính phủ phải tạo cho được cơ chế hiệu quả thúc đẩy chính bộ máy của mình chuyển động theo đúng yêu cầu.

Nghị quyết cũng yêu cầu sau 10 ngày kể từ ngày ban hành Nghị quyết, các bộ ngành, địa phương phải triển khai xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động, chỉ thị cụ thể; gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Chính phủ ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2018.

Cần xây dựng bảng theo dõi thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành và các địa phương. Đây chính là công cụ “cân, đo, đong đếm” việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng. Yêu cầu này cũng vô cùng cấp thiết bên cạnh các giải pháp đề ra.

PGS. TS Trần Ngọc Anh

Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng