Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp sức để làng nghề Phú Xuyên phát triển

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Vàn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tháng 10 này, huyện Phú Xuyên tổ chức Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống cấp huyện lần thứ III. Đây là cơ hội để quảng bá, giới thiệu tinh hoa làng nghề truyền thống xưa và nay của huyện Phú Xuyên, một trong những huyện có số lượng làng nghề lớn của Hà Nội.

Hiệu quả kinh tế

“Ngày 26/10/2010, tại Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đoàn đại biểu huyện Phú Xuyên tham gia thảo luận tại hội trường với nội dung "Huyện Phú Xuyên với việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống". Nhận thức được vai trò to lớn của làng nghề, nên Đoàn đại biểu huyện Phú Xuyên đã kiến nghị cần có ngày "Vinh danh Làng nghề truyền thống". Ngay sau Đại hội, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Xuyên đã và thống nhất lấy ngày 26/10 hàng năm làm ngày “Vinh danh Làng nghề truyền thống” của huyện” - Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Trương Thế Cầu chia sẻ.
 
Ngay năm sau đó, Phú Xuyên đã tổ chức thành công “Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống” lần thứ nhất tạo được tiếng vang cho các sản phẩm. Từ thành công đó đã khích lệ người làm nghề, đặc biệt là các nghệ nhân sáng tạo ra những mẫu hàng độc đáo, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Kể từ đó đến nay, hàng năm, Phú Xuyên đều tổ chức Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống cấp huyện các nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ, nghề da giày xã Phú Yên, nghề cỏ tế xã Phú Túc... Năm 2017, huyện Phú Xuyên tổ chức Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống lần thứ III, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 26 - 29/10. Chuẩn bị cho dịp lễ này, các làng nghề trên địa bàn huyện đang sôi nổi không khí sản xuất. Tại làng Đại Nghiệp, xã Tân Dân, nơi có nghề mộc truyền thống khá phát triển luôn vang tiếng đục đẽo, cưa xẻ gỗ. Những người thợ với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo chạm trổ, chế tác sản phẩm gỗ tinh xảo. Thôn Đồng Phố có 776 hộ với trên 3.000 nhân khẩu thì có tới hơn 80% số hộ đều làm nghề mộc. Trong thôn, nhiều hộ có thu nhập từ 800 triệu đến một tỷ đồng/năm.

Xã Chuyên Mỹ vốn nổi tiếng với nghề khảm trai, sơn mài có hàng nghìn năm tuổi. Tại nhà nghệ nhân Nguyễn Đinh Hải, thôn Chuyên Ngọ, gần 10 công nhân đang cặm cụi với các công đoạn khảm trai. Anh Hải cho biết, tất cả kỹ thuật chạm, khảm đều làm thủ công và đòi hỏi người thợ một sự tỉ mỉ, chuẩn xác tuyệt đối. Hiện, gia đình anh Hải đang gấp rút hoàn thiện những sản phẩm khảm trai về cảnh đồng quê, tranh tứ quý, thư pháp… để tham gia trương bày, giới thiệu sản phẩm tại Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống lần thứ III của huyện Phú Xuyên. Một nghệ nhân trẻ khác của làng Chuyên Ngọ là Nguyễn Văn Lăng cũng đang miệt mài hoàn thiện bức khảm chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để tham gia trưng bày tại Lễ hội năm nay.

Tiếp sức để làng nghề phát triển

Bí thư Đảng ủy xã Phú Túc Nguyễn Thanh Thủy cho biết, xã có 8/8 thôn đều đã được công nhận làng nghề truyền thống. Trong 9 tháng năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của xã đạt khoảng 175 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2016. Thu nhập bình quân đầu người đạt 38,5 triệu/người/năm.

Hiện nay, ở Phú Xuyên, cả 156/156 làng đều có nghề. Trong đó có 40 làng nghề đã được UBND TP Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Bên cạnh việc quan tâm phát triển làng nghề, Phú Xuyên đặc biệt chú trọng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Việc tổ chức lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống hàng năm đã tạo điều kiện, tiếp sức cho làng nghề truyền thống phát triển.

Lễ hội vinh danh làng nghề truyền thống là cơ hội tốt để quảng bá sản phẩm của làng nghề. Cùng với đó, Huyện ủy Phú Xuyên đã ban hành Chương trình số 05-Ctr/HU về “Phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch làng nghề huyện Phú Xuyên giai đoạn 2015 - 2020”. Mục tiêu của Chương trình là nhằm khôi phục, bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống thông qua sự kết hợp giữa sản xuất của làng nghề truyền thống với hoạt động du lịch; Phối hợp phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao chất lượng, hiệu quả về sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiêp, nông nghiệp, làng nghề. Trên cơ sở đó, vừa tăng thêm thu nhập cho người lao động, vừa góp phần bảo tồn, gìn giữ và quảng bá những giá trị văn hóa của các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.

Năm 2017, Phú Xuyên có 24.500 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN), với 39.939 lao động; Giá trị sản xuất TTCN làng nghề ước đạt 4.550 tỷ đồng; Thu nhập bình quân của lao động làm nghề đạt 52 triệu đồng/người/năm. Các làng nghề đã giải quyết việc làm cho trên 80% lao động trong các làng nghề và vùng phụ cận.