Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục cải cách toàn diện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 ngày làm việc, kỳ họp thứ 3 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức quốc hội) Trung Quốc khóa 12 đã bế mạc sáng 15/3 tại thủ đô Bắc Kinh với việc thông qua hàng loạt quyết sách quan trọng về mọi mặt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của Trung Quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường, nhiều lãnh đạo cấp cao và gần 3.000 đại biểu đã tham dự phiên bế mạc.

Chính phủ tự tinh giản

Bên cạnh những quyết sách lớn, Quốc hội Trung Quốc cũng xác định, năm 2015 là năm then chốt đi sâu cải cách toàn diện, là năm mở đầu thúc đẩy quản lý đất nước bằng pháp luật. Từ năm 2012, “cải cách toàn diện” là cụm từ được Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh nhiều lần trong các cuộc họp báo sau kỳ họp quốc hội với mong muốn sẽ tiếp thêm sức sống cho thị trường và nền kinh tế. Trong 2 năm qua, chính phủ nước này đã cắt giảm một phần ba các thủ tục hành chính nhưng cam kết này vẫn chưa đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Bất chấp các tác động lớn từ tiến trình “đau đớn” này, nhất là những ảnh hưởng cho các nhóm lợi ích, tại cuộc họp báo tổ chức sau phiên bế mạc quốc hội, ông Lý cam kết sẽ tiếp tục tinh giản bộ máy, quyền hạn của chính phủ và thủ tục hành chính, coi đó là con đường cải cách toàn diện.
Các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tại phiên họp bế mạc Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc ở Đại lễ đường nhân dân ngày 15/3.	 Ảnh: AP
Các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tại phiên họp bế mạc Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc ở Đại lễ đường nhân dân ngày 15/3. Ảnh: AP
Đặc biệt, việc quốc hội thông qua dự thảo sửa đổi luật “Lập pháp” được nhận định là một trong những thành quả quan trọng nhất của kỳ họp lần này. Với lần sửa đổi này, Trung Quốc sẽ tiến thêm một bước trong việc hoàn thành thể chế lập pháp, xác định rõ quyền hạn của lập pháp, kiện toàn trình tự và cơ chế lập pháp khoa học, dân chủ.

Ổn định tăng trưởng kinh tế

Dù đã hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay xuống còn 7%, các nhà đầu tư quốc tế vẫn bày tỏ sự hoài nghi về khả năng Bắc Kinh có thể đưa nền kinh tế phát triển trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, trong một tuyên bố nhằm xoa dịu sự lo ngại của thị trường toàn cầu, ông Lý Khắc Cường đã khẳng định, Trung Quốc hoàn toàn có đủ điều kiện và năng lực để ổn định tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, đảm bảo đủ việc làm… Theo đó, chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường các chính sách kiểm soát vĩ mô, cơ cấu lại các khoản nợ chính phủ nhằm tránh được khủng hoảng tài chính khu vực và toàn cầu.

Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc cũng phủ nhận rằng, nước này đã bước vào thời kỳ giảm phát và nhấn mạnh, Bắc Kinh có trong tay nhiều công cụ để nâng chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế, đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế ổn định và lành mạnh trong thời gian dài.

Hiện chưa rõ, Trung Quốc có hoàn thành được mục tiêu đề ra hay không nhưng quá trình chính phủ hiện thực hóa các quyết sách vừa được quốc hội thông qua sẽ thu hút được sự theo dõi của cả thế giới. Vì thế, 2015 không chỉ là năm để chính phủ hoàn thành nhiệm vụ ổn định tăng trưởng kinh tế, điều chỉnh kết cấu, cải cách toàn diện mà còn là bài kiểm tra năng lực mà chính trường và thị trường toàn cầu đặt ra đối với tham vọng trở thành cường quốc của Bắc Kinh.