Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Thiếu tướng Trần Việt Khoa - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng, việc ban hành Nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ, là vô cùng cần thiết.

 Toàn cảnh bế mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Theo Thiếu tướng Trần Việt Khoa, sở dĩ Đảng ban hành nghị quyết về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ, là bởi các lý do chính sau đây:
Một là, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ thường xuyên luôn được Đảng ta coi trọng. Trong Chương trình làm việc toàn khóa của các nhiệm kỳ Đại hội Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đều xác định rõ những yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo đảm cho Đảng luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng, luôn khẳng định tính chính đáng cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và toàn xã hội.
Theo đó, việc ban hành Nghị quyết "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ" là sự triển khai thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.
Trong chương trình làm việc toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội XII, những yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được xác định rõ với 10 giải pháp cơ bản, đồng bộ; trong đó nhấn mạnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, với trọng tâm là đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Hai là, từ thực trạng và nguyên nhân thực trạng vấn đề xây dựng Đảng; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã và đang diễn ra hiện nay, là một nguy cơ đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của chế độ, đã được Ban Chấp hành Trung ương khóa XI nhận thức sâu sắc.
Để ngăn chặn nguy cơ đó, Hội nghị Trung ương 4, khóa XI đã ra Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay." Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI ở một số nội dung chưa đạt mục tiêu, yêu cầu; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ không những chưa được đẩy lùi, mà có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn, nhất là tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm" vẫn còn nghiêm trọng; sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng...
Thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" như trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó Ban Chấp hành Trung ương chỉ rõ do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, căn nguyên là bản thân đội ngũ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân...
Cùng với đó là công tác giáo dục, quản lý, bố trí, sử dụng cán bộ, đảng viên chưa được coi trọng đúng mức, còn nể nang, cục bộ, thiếu khoa học. Đáng chú ý là Ban Chấp hành Trung ương còn chỉ rõ trong nguyên nhân chủ quan có vấn đề "chưa làm rõ nguyên tắc kiểm soát quyền lực", chưa phát huy đầy đủ và hiệu quả vai trò của nhân dân trong giám sát, phản biện, góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.
Đặc biệt là tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần này đã nhấn mạnh sự buông lỏng nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn kém hiệu quả.
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, mọi tổ chức Đảng và mọi cán bộ, đảng viên trong đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ, tại Hội nghị lần này Ban Chấp hành Trung ương đã khái quát 15 "dấu hiệu" nhận diện những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và 8 "dấu hiệu" nhận diện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Những "dấu hiệu" chính đó theo sự khái quát của Ban Chấp hành Trung ương là sự tổng quan một cách toàn diện từ ý thức tư tưởng, niềm tin, bản lĩnh, ý chí, hành động, thái độ ứng xử trong các mối quan hệ xã hội, nhất là ứng xử đối với bản thân của cán bộ, đảng viên, ứng xử đối với quyền lực không chỉ "lệch chuẩn" mà còn là sự "đứt gãy" giá trị từ gia đình-cộng đồng-xã hội.
Nếu tình trạng đó không được ngăn chặn quyết liệt thì nó sẽ đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và sự an nguy của chế độ.
Ba là, từ yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp cách mạng với quy mô, tầm vóc lớn lao trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước.
Tình hình cách mạng trong giai đoạn mới đặt ra, càng đòi hỏi phải phát huy truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó chặt chẽ với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ngày càng phát triển.
Thiếu tướng Trần Việt Khoa nhấn mạnh, với những lý do trên cho thấy, việc ban hành Nghị quyết "Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ" là rất cần thiết, nhằm xây dựng Đảng thật sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo, tính chính đáng cầm quyền của Đảng đối với cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới.