|
Hướng dẫn bệnh nhân làm thủ tục tại Bệnh viện Tim Hà Nội - một trong những đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ hiệu quả. Ảnh: Hải Linh |
Năm vừa qua, TP đã chuyển thêm được 5 đơn vị sang tự chủ kinh phí thường xuyên, đưa số đơn vị này lên 95 đơn vị. Lãnh đạo TP cho biết, để giảm chi ngân sách, giảm biên chế, trong năm nay, Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ hoàn toàn. TP cũng yêu cầu các đơn vị giáo dục chuyên nghiệp, đơn vị y tế tuyến TP đăng ký trong năm 2018 chuyển sang tự chủ. Đồng thời, giao các quận, huyện thực hiện chuyển đổi sang mô hình tự chủ đối với các trường chất lượng cao, ban quản lý các chợ.
Như Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam nhận định, qua các đợt giám sát sâu về tinh giản bộ máy của hệ thống chính trị cho thấy, việc chủ động trong sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế của TP đã thực sự hiệu quả. Năm 2017 là năm thực sự quyết liệt, “cuộc cách mạng” trong việc sắp xếp nhân sự, kiện toàn đầu mối, giảm bộ máy. Tuy đã đạt kết quả rất đáng kể, nhưng theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tiến độ thực hiện tự chủ trên địa bàn TP vẫn chậm, có nơi còn tư duy ỷ lại, trông chờ bao cấp. Toàn TP hiện mới có hơn 200 đơn vị đăng ký tới năm 2021 sẽ tự chủ chi thường xuyên, với gần 16.300 biên chế. Con số này quá ít so với gần 3.000 đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ trên địa bàn.
Cơ cấu lại đơn vị kém hiệu quảĐể phát huy những cách làm tốt và khắc phục hạn chế, mới đây, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 72 về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW "Về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập". Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả, đẩy mạnh xã hội hóa, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học). Các đơn vị này được yêu cầu đẩy mạnh thí điểm việc thi tuyển và thực hiện thuê giám đốc điều hành.
Thành ủy chỉ đạo kiên quyết chuyển sang cơ chế tự bảo đảm hoàn toàn về tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hóa cao, trên cơ sở Nhà nước thực hiện lộ trình bảo đảm kinh phí hoạt động có thời hạn. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích việc tự nguyện tinh giản biên chế.
Chuyển mạnh các đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ là nội dung được Hà Nội đặc biệt quan tâm trong tiến trình sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, đồng thời là xu thế tất yếu. Để đạt mục tiêu đến năm 2021 giảm 10% chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp công lập, bên cạnh các giải pháp đồng bộ khác, nhiều ý kiến cho rằng, TP cần tăng cường đổi mới cơ chế quản lý theo hướng phân cấp, phân quyền, hướng tới trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện cho các đơn vị sự nghiệp công lập, gồm cả về tài chính, thực hiện nhiệm vụ và bộ máy tổ chức, biên chế.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng lưu ý, trong quá trình thực hiện, cần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ sự nghiệp công cho mọi tầng lớp Nhân dân trên cơ sở tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước; giữ vững, phát huy tốt vai trò chủ đạo, bản chất tốt đẹp, ưu việt, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Phấn đấu một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ.