Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục ứng phó với áp thấp nhiệt đới ngoài biển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/11, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư họp khẩn đánh giá thiệt hại do bão số 12 và bàn biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới chuẩn bị mạnh lên thành bão trên biển Đông (bão số 13).

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, đêm qua, sau khi đổ bộ vào bờ, bão số 12 đã suy yếu thành vùng áp thấp. Đến thời điểm này chưa có thiệt hại về người trước trong và sau bão. Tuy nhiên, hiện nay gần biển Đông xuất hiện áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng sẽ mạnh lên thành bão, sau khi đi vào biển Đông sẽ trở thành cơn bão số 13 trong năm nay ở nước ta.

Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, áp thấp nhiệt đới có tốc độ di chuyển nhanh, hướng đi phức tạp. Dự báo, vùng tâm áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ vào bờ vùng biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bà Rịa - Vũng Tàu đêm ngày 6 và rạng sáng ngày mùng 7/11 với cường độ cấp 8, cấp 9. Đáng lưu ý là theo sau áp thấp nhiệt đới còn có một cơn bão khác có tên là Haiyan đang tiến nhanh về phía Đông Nam Biển Đông. Cả áp thấp nhiệt đới và bão Haiyan có nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Trường Sa và đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ nước ta.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát - Trưởng ban Chỉ đạo PCLB T.Ư yêu cầu các địa phương tập trung kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trển biển, xem xét lệnh biển đối với các địa phương trong vùng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão (bão số 13) tiếp cận bờ. Trên đất liền, chủ động tiến hành sơ tán dân những vùng ven biển, cửa sông và hướng dẫn cho người dân chằng chống nhà cửa. Đồng thời rà soát và điều tiết nước các hồ chứa. Tất cả những công việc này phải hoàn thành trước 19 giờ tối mai (6/11).

Theo Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, đến sáng nay, lực lượng biên phòng tuyến biển đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền cho gần 80.000 phương tiện với khoảng 360.000 người biết diễn biến bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cũng đã huy động hơn 234.300 cán bộ, chiến sĩ, cùng gần 2.200 phương tiện các loại sẵn sàng ứng phó và giúp đỡ tàu, thuyền của ngư dân trong trường hợp bất trắc.