Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TikTok lên tiếng trước sức ép pháp lý ngày càng gia tăng từ Mỹ

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Vào hôm 23/3, Giám đốc điều hành của TikTok sẽ phải giải trình trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ về việc bảo mật dữ liệu và an toàn của người dùng trên ứng dụng này, cũng như đưa ra lý do không nên cấm TikTok ở nước Mỹ.

Giám đốc điều hành Tik Tok đang cố giải thích với Ủy ban của Quốc hội Mỹ về tính an toàn, độ bảo mật thông tin của ứng dụng này. Nguồn: AP
Giám đốc điều hành Tik Tok đang cố giải thích với Ủy ban của Quốc hội Mỹ về tính an toàn, độ bảo mật thông tin của ứng dụng này. Nguồn: AP

Sự xuất hiện của Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew đến vào thời điểm công ty đã ghi nhận hơn 150 triệu người dùng Mỹ, nhưng đang chịu áp lực ngày càng tăng từ các quan chức nước này. TikTok và công ty mẹ ByteDance đã bị cuốn vào một cuộc chiến thương mại và công nghệ Mỹ-Trung.

Đây cũng là lần hiếm hoi mà ông Chew  xuất hiện trước công chúng để đáp lại hàng loạt cáo buộc từ nhà chức trách Mỹ đối với TikTok. Vào hôm 22/3, công ty đã gửi hàng chục Tik Tokers nổi tiếng đến điện Capitol để vận động các nhà lập pháp bảo vệ ứng dụng này. Công ty cũng đã đăng tải cam kết về việc bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng trên khắp tại Mỹ.

Vị giám đốc điều hành này được cho sẽ phải thuyết phục Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện Mỹ về tính an toàn của TikTok cũng như bác bỏ các cáo buộc về rủi ro an ninh quốc gia mà ứng dụng này được cho đang gây ra.

Trước đó, TikTok từng bị cáo buộc về việc thu thập thông tin người dùng Mỹ và đưa cho chính phủ Trung Quốc để sử dụng cho mục đích chính trị

Trong một cuộc họp vào chiều 22/3, người phát ngôn của Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết: “Mức độ phổ biến của Tiktok là không cần phải bàn cãi, nhưng nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi là bảo vệ an ninh quốc gia và người dân Mỹ ”

Về phần mình, TikTok đã luôn khẳng định sự độc lập đối với Chính phủ Trung Quốc, cho biết 60% cổ phần của công ty mẹ ByteDance thuộc sở hữu của các nhà đầu tư từ các tổ chức toàn cầu như Carlyle Group.

“Tôi khẳng định rằng ByteDance không phải là tổ chức thuộc sở hữu Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác,” Ông Chew cho biết.

Lệnh cấm của Mỹ đối với ứng dụng này là điều chưa từng có trong lịch sử nước này và chưa rõ nó sẽ được thực thi thế nào.

Hiện các quan chức đang buộc Apple và Google xóa Tik Tok khỏi các ứng dụng của họ, ngăn người dùng mới tải xuống hay cập nhật ứng dụng này.

Ahmed Ghappour, chuyên gia luật hình sự và an ninh máy tính tại Trường Luật, Đại học Boston, cho biết Mỹ cũng có thể chặn quyền truy cập vào cơ sở hạ tầng và dữ liệu của TikTok, thu giữ tên miền hoặc buộc các nhà cung cấp dịch vụ internet như Comcast và Verizon lọc lưu lượng dữ liệu Tik Tok.

Tuy nhiên, một người dùng hiểu biết về công nghệ vẫn có thể vượt qua các rào cản này bằng cách sử dụng một tên miền riêng để làm cho người dùng có vẻ như đang ở một quốc gia khác – nơi mà TikTok không bị chặn, ông cho biết.

Để tránh lệnh cấm, TikTok đang đề xuất về một kế hoạch trị giá 1,5 tỷ USD có tên là Dự án Texas - định tuyến tất cả dữ liệu người dùng Mỹ đến các máy chủ trong nước do gã khổng lồ Oracle sở hữu và duy trì. Theo dự án, quyền truy cập vào dữ liệu của Mỹ được quản lý bởi các nhân viên nước này thông qua công ty riêng biệt có tên là TikTok U.S. Data Security, hoạt động độc lập với ByteDance và sẽ được giám sát bởi các nhà quan sát bên ngoài.

Kể từ tháng 10/2022, tất cả dữ liệu người dùng mới của Mỹ đã được lưu trữ trong nước. Ông Chew cho biết công ty đã bắt đầu xóa tất cả dữ liệu lịch sử của người dùng nước này khỏi các máy chủ không phải của Oracle trong tháng ba này, quá trình này dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay.

Một số quốc gia phương Tây bao gồm Đan Mạch, Canada và New Zealand, cùng với Liên minh Châu Âu, đã cấm TikTok trên các thiết bị được cấp cho nhân viên chính phủ, với lý do lo ngại về an ninh mạng.

Tại Mỹ, chính phủ liên bang, Quốc hội, lực lượng vũ trang và hơn một nửa số bang đã cấm ứng dụng này khỏi các thiết bị chính thức.