Trao đổi với phóng viên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, tiếp nối thành công năm 2014, tới đây, ngoài những thị trường tiềm năng, ngành du lịch Việt sẽ nghiên cứu chính sách visa và các giải pháp nhằm “hút” khách ở những thị trường có mức chi tiêu cao để nâng tổng thu toàn ngành.
Năm 2014, ngành du lịch đặt mục tiêu đạt 8,3 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, nhưng chỉ có 7,9 triệu lượt khách. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?
- Khi đặt mục tiêu đón 8,3 triệu lượt khách quốc tế năm 2014, đà tăng trưởng du lịch Việt Nam đang rất tốt, khách quốc tế tăng 2 lần sau 4 năm. Tuy nhiên, chúng ta không lường trước được những khó khăn sẽ phải đối mặt về mặt chính trị, xung đột ở nhiều quốc gia, dịch bệnh Ebola, xung đột trên Biển Đông… Vốn là ngành kinh tế tổng hợp, du lịch ngay lập tức bị ảnh hưởng, khiến chúng ta mất đi khoảng 1,5 triệu lượt khách quốc tế. Do vậy, con số gần 8 triệu lượt khách quốc tế đạt được năm 2014 cho thấy ngành du lịch đã thành công trong việc chuyển hướng kịp thời, đẩy mạnh quảng bá xúc tiến và tăng cường các thị trường trọng điểm, tiềm năng khác.
Kinhtedothi - Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch đến những thị trường tiềm năng, thị trường mới đóng vai trò then chốt để ngành giữ vững tăng trưởng. Vậy, kinh phí cho hoạt động này trong năm 2015 có đáp ứng được nhu cầu?
- Năm 2014, kinh phí cho hai hoạt động quảng bá xúc tiến và Năm hành động du lịch quốc gia là 60 tỷ đồng, mỗi chương trình 30 tỷ đồng. Năm nay, mức kinh phí cho cả hai hoạt động này không tăng. Trong khi đó, mức chi cho hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch Thái Lan năm 2014 là khoảng 80 triệu USD, Malaysia khoảng 100 triệu USD... Mức chi của Việt Nam thấp so với nhiều nước trong khu vực và hạn chế so với nhu cầu đặt ra của hoạt động quảng bá, xúc tiến trong nước.
Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Nguyễn Linh
|
Tuy nhiên, quy trình làm thủ tục giải ngân trong năm nay đã được cải tiến rất nhiều. Trước đây, phải từ tháng 6 chúng tôi mới nhận được kinh phí, chậm thì đến tháng 10 và phải quyết toán xong trong tháng 12. Nhưng, từ năm nay, trong Nghị quyết số 92/NQ-CP về “Một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới” ban hành tháng 12/2014, Chính phủ đã giao cho Bộ trưởng Bộ VHTT&DL chủ trì phân bổ kinh phí của hai chương trình hành động trên. Điều này giúp ngành du lịch sớm có kinh phí để triển khai thực hiện các hoạt động sớm hơn. Cho nên, hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến chắc chắn sẽ được nâng lên.
Chính sách Visa là một trong những yếu tố quyết định đầu tiên đến sự lựa chọn của khách quốc tế khi đi du lịch nước ngoài. Vậy năm nay, Tổng cục Du lịch sẽ làm gì để tận dụng ưu thế này nhằm “hút” khách quốc tế?
- Chính sách visa chính là yếu tố thể hiện tính cạnh tranh về du lịch của một quốc gia. Các nước trong khu vực có nền du lịch phát triển như Thái Lan, Singapore, Malaysia… đều có chính sách visa tương đối thông thoáng cho các thị trường trọng điểm của họ. Đặc biệt, việc miễn thị thực đơn phương tạo nhiều thuận lợi để “hút” khách quốc tế. Hiện nay, ngoài 10 nước ASEAN, chúng ta mới miễn cho 7 nước gồm 4 nước Bắc Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga. Mới đây, chúng tôi đã kiến nghị lên Bộ VHTT&DL và Chính phủ miễn visa cho 9 thị trường gồm: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Australia, New Zealand, Ấn Độ và Canada. Nếu được phê duyệt, đây sẽ là động lực để ngành du lịch Việt Nam “hút” khách ở các thị trường có mức chi tiêu cao. Mặt khác, chúng tôi đã và đang nghiên cứu một số chuyên đề về visa, từ đó, có đề xuất cụ thể lên các cấp có thẩm quyền đưa ra các giải pháp, chính sách visa phù hợp trong thời gian tới.
Thưa ông, ngành đã có giải pháp gì để đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, 41 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 270.000 tỷ đồng trong năm nay?
- Trước mắt, toàn ngành sẽ đẩy mạnh hoạt động quảng bá xúc tiến theo 3 định hướng lớn: Tập trung vào các thị trường trọng điểm và các thị trường tiềm năng; Duy trì tính chuyên nghiệp và hiệu quả của hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch; Đẩy mạnh ứng dụng marketting điện tử trong quảng bá xúc tiến. Đặc biệt, chúng ta đẩy mạnh “hút” khách ở các thị trường có khả năng chi tiêu cao. Mặt khác, phải đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách, qua đó góp phần xúc tiến thị trường tại chỗ một cách tốt nhất.
Xin cảm ơn ông!