Sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình truyền thông Những cống hiến thầm lặng năm 2024.
Tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện rất thấp
Phóng viên của hơn 20 cơ quan báo chí truyền thông đã tiếp xúc với các lao động làng nghề khảm trai và làm tăm hương tại 2 xã Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) và xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), trải nghiệm thực tế, tìm hiểu về cơ hội tiếp cận an sinh xã hội của người lao động tại một số hộ sản xuất, kinh doanh.
Xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên đặc thù là xã có nghề truyền thống. 7/7 thôn được UBND TP Hà Nội công nhận Làng nghề, 100% người có nhu cầu lao động tại địa phương được đào tạo nghề và có việc làm ổn định. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động làng nghề tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện còn thấp.
Trong khi đó, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa nổi tiếng với việc làm tăm hương, tổng dân số của xã là 12.656 người. Số người trong độ tuổi lao động là 7.379 người, thu nhập bình quân 72 triệu đồng/năm/lao động. Trong đó, hơn 75% thu nhập được tạo ra từ nghề sản xuất tăm hương và thu gom phế liệu. Tuy nhiên, số người lao động tham gia BHXH tự nguyện cũng chưa cao, chỉ đạt 86 người.
Qua gặp gỡ, trao đổi giữa báo chí với các nhà quản lý, chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh và người lao động, nhiều ý kiến cho biết, lý do người lao động làng nghề chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là do chính sách này chưa đủ sức hấp dẫn. Các thủ tục chưa thật sự thuận tiện, thu hút người lao động tự do; nhiều thông tin về chính sách BHXH chưa đến được với công nhân làng nghề.
Cơ chế, chính sách, chế độ dành cho BHXH tự nguyện chưa đồng bộ so với BHXH bắt buộc; thu nhập của người lao động làng nghề chưa ổn định để họ yên tâm tham gia BHXH tự nguyện… Đặc biệt, nhận thức của người lao động làng nghề về tầm quan trọng của việc tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn giới hạn.
Anh Phạm Văn Thắng (36 tuổi) cho biết, gia đình anh 3 đời theo nghề khảm trai truyền thống ở xã Chuyên Mỹ. Mỗi ngày anh ngồi làm 8 tiếng, thu nhập mỗi tháng của anh khoảng 10 triệu đồng. Anh Thắng cho biết rất ít người tham gia BHXH, còn BHYT thì hầu như ai cũng tham gia. “Tôi cũng muốn được tham gia BHXH, nhưng tôi không còn nhiều thời gian để theo nghề này nữa. Việc này sẽ phù hợp với các lao động trẻ hơn” – anh Thắng chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên Đinh Chí Nguyện cho biết: Mức độ tăng trưởng phát triển kinh tế cao nhưng tỷ lệ người dân tham gia BHXH chỉ ở cán bộ công chức, viên chức; còn ở các hộ kinh doanh, gia đình tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội khá thấp.
Chia sẻ về nguyên nhân, ông Nguyện cho rằng, công tác tuyên truyền về BHXH từ cơ quan bảo hiểm, chính quyền địa phương đến người lao động chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, mặc dù thu nhập cao nhưng người dân vẫn chưa nghĩ đến việc đảm bảo cho cuộc sống sau này, khi nghỉ hưu.
Ngoài ra, người đóng BHXH chỉ được hưởng tiền tử tuất và hưu trí, trong khi họ tham gia bảo hiểm khác thì được chế độ cao hơn. Thậm chí, có người dân sẵn sàng chi cả chục triệu đồng 1 năm để tham gia bảo hiểm thương mại nhưng lại tiếc số tiền vài trăm hoặc hơn 1 triệu để tham gia BHXH tự nguyện.
“Đề xuất cơ quan bảo hiểm cần nâng cao chế độ bảo hiểm và cơ quan bảo hiểm nên bám sát địa phương, gần với cấp xã, cấp huyện để tuyên truyền cho người dân nghe, hiểu hơn; gắn với trách nhiệm của các cơ quan, những người đứng đầu trong hệ thống chính trị” - Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Mỹ Đinh Chí Nguyện.
Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Xuân Giang, Giám đốc BHXH huyện Ứng Hòa cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện đang không thật sự hấp dẫn người dân. Người dân chủ yếu là trung niên, không có việc làm, thu nhập thấp nên việc tham gia đóng BHXH tự nguyện là khó khăn phụ thuộc vào chồng, vợ, con cái. Đối với lao động trẻ có sức khỏe thì họ chỉ nghĩ đến thu nhập trước mắt, mà chưa nghĩ đến tương lai lâu dài, do đó cũng là việc khó khăn trong việc tuyên truyền để người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Chú trọng truyền thông để người dân hiểu, tham gia BHXH
Tại tọa đàm “Để lao động làng nghề tiếp cận an sinh xã hội”, các chuyên gia đã cùng trao đổi để đưa ra các giải pháp, đề xuất các chính sách để góp phần nâng cao chính sách an sinh, nâng cao tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện của người lao động tại làng nghề. Các đại biểu đặc biệt lưu ý nội dung khuyến khích lao động làng nghề tham gia BHXH tự nguyện, coi đây là một trong những chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa quan trọng giúp người lao động tự do, người có thu nhập thấp có cuộc sống ổn định khi không còn khả năng lao động.
Bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng, thu nhập của lao động làng nghề cao hơn làm nông. Cho nên không phải do họ khó khăn, mà do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về BHXH. Theo bà Vinh, người lao động nghĩ rằng một tháng bỏ mấy trăm nghìn nhưng hưởng lợi chưa nhìn thấy thì họ sẽ không tham gia.
Vì vậy, cơ quan BHXH các địa phương, hệ thống công quyền và truyền thông, gần nhất là Hội người cao tuổi, đoàn thanh niên, hội phụ nữ của từng thôn xóm cần phải truyền thông cho người dân hiểu. “Điều quan trọng nhất là nếu tham gia BHXH thì khi về già sẽ không đè gánh nặng lên vai con cháu, được hưởng hưu, ốm đau khi đi khám được hỗ trợ chi trả…” – bà Vinh nói.
Giám đốc BHXH huyện Ứng Hòa Ngô Xuân Giang cho biết giải pháp về sự cải thiện trong thủ tục cơ chế một cửa tiếp nhận và giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động. Hiện nay tại huyện Ứng Hòa, người sử dụng lao động không phải đến cơ quan BHXH huyện nộp hồ sơ, thủ tục nhanh chóng thuận lợi, tiền hưởng chế độ BHXH của người lao động khi được cơ quan BHXH thanh toán chuyển đến tài khoản cá nhân người lao động.
Chỉ còn rất ít cá nhân giao dịch bằng hồ sơ giấy, có thể nộp trực tiếp tại cơ quan BHXH huyện hoặc qua dịch vụ Bưu chính công ích. Người lao động được giải quyết chế độ hưu trí, BHXH 1 lần, hưởng chế độ thai sản thanh toán trực tiếp, được cán bộ hướng dẫn tận tình, chu đáo, không để người lao động đi lại nhiều lần. Việc chi trả chế độ cho người lao động được đảm bảo chính xác, an toàn.