Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tìm giải pháp quản lý bến bãi ven sông

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, tình trạng vi phạm hành lang ven sông trên địa bàn Hà Nội diễn biến hết sức phức tạp. Trong khi giải pháp căn cơ xử lý các vi phạm này dường như vẫn bị bỏ ngỏ.

Hệ lụy khôn lường
Theo thống kê của Chi cục Đê điều & Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội), trên các tuyến sông thuộc địa bàn TP quản lý hiện có tổng số 187 bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng đang hoạt động (tuyến đê Hữu Hồng: 85, Tả Hồng: 25, Tả Đuống: 24...). Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 34 bến bãi có giấy phép, 153 bến bãi còn lại không có giấy phép.

Điểm trung chuyển, tập kết vật liệu xây dựng ven sông Hồng thuộc địa phận quận Tây Hồ.  Ảnh: Phạm Hùng

Dù không có giấy phép, nhưng nhiều bến bãi vẫn ngang nhiên hoạt động. Các bến bãi tập kết phế thải, vật liệu xây dựng có diện tích và chiều cao lớn ảnh hưởng đến an toàn của đê kè, bờ sông. Cùng với đó là nguy cơ sụt, sạt bờ bãi sông và ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói, một số chủ bến bãi còn tập kết, trung chuyển vật liệu là cát đen không rõ nguồn gốc. Điều này vô tình tiếp tay cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên sông.
Một điểm rất đáng chú ý nữa là 83/187 bến bãi hiện có hoạt động của xe quá tải đi trên đê tập trung chủ yếu trên tuyến đê sông Hồng đoạn qua địa phận quận Bắc Từ Liêm, các huyện Ba Vì, Thường Tín, Phú Xuyên, Đông Anh, Mê Linh. Tuyến đê Hữu Đuống thuộc huyện Gia Lâm và khu vực tập trung nhiều làng nghề của huyện Hoài Đức. Hoạt động của xe quá tải khiến nhiều đoạn đê, kè bị hư hỏng, xuống cấp, giảm khả năng phòng chống lụt bão, nhất là ảnh hưởng tới việc đi lại an toàn của người dân.
Nên giao doanh nghiệp quản lý khai thác
Trước những vi phạm  tại khu vực ven sông, nhiều ý kiến cho rằng, nên nghiên cứu giao cho các tổ chức, DN, cá nhân quản lý, đầu tư, khai thác dưới sự giám sát của chính quyền.
Ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ chia sẻ, thực trạng đổ phế thải trái phép ven sông trên địa bàn quận rất nan giải. Địa phương tổ chức lực lượng vây bắt, nhưng hiệu quả “chỉ có mức độ”. Nhiều trường hợp xây dựng công trình trái phép để sản xuất, kinh doanh khi bị giải tỏa thì tỏ thái độ bất hợp tác, thậm chí có trường hợp còn chống đối. Theo đó, ông Hoàng kiến nghị, TP nên nghiên cứu, giao cho các tổ chức, DN, cá nhân quản lý khai thác, thay vì để địa phương “suốt ngày phải đi canh”.
Đồng tình với quan điểm trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho rằng, chủ trương cho thuê đối với các diện tích ven sông nhiều khả năng sẽ nhận được sự đồng tình cao của các đơn vị có nhu cầu. Ông Hùng chia sẻ: Khu vực bãi sông thuộc xã Liên Trung nằm sát khu dân cư, hàng chục năm qua, bà con vẫn tổ chức kinh doanh, buôn bán mưu sinh. Nếu giải tỏa sẽ ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Thực tế trao đổi với các hộ dân, nhiều ý kiến đề nghị được trả tiền để thuê đất sản xuất kinh doanh, thay vì sử dụng trong tâm thế vi phạm Luật Đê điều như hiện nay. 
Theo ông Hà Đức Trung - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, thời gian qua, dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc gắt gao, tuy nhiên, vi phạm hành lang ven sông vẫn diễn biến khá phức tạp. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên bắt nguồn từ nhu cầu rất lớn của việc sử dụng đất ven sông cho các hoạt động phát triển kinh tế. Do đó, ông Trung cho rằng: Việc cấp phép để các tổ chức, DN, cá nhân tham gia quản lý, đầu tư, khai thác những diện tích ven bãi sông là giải pháp mà TP nên nghiên cứu. Điều này không chỉ giúp quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên ven sông, mà còn mang lại nguồn thu ngân sách lớn cho TP.