Để việc triển khai Đề án đạt hiệu quả, các tỉnh xây dựng mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tiếp đó là, tổ chức điều tra đến tận từng hộ gia đình để thống kê chính xác số người mù chữ trong độ tuổi từ 15-60, phân nhóm theo địa bàn, dân tộc, giới tính...để phân công trách nhiệm các đoàn thể, tổ chức, cá nhân vận động đoàn viên, hội viên chưa biết chữ ra lớp học; tham gia tổ chức lớp học và trực tiếp xóa mù chữ. Cùng với việc tổ chức các lớp học xóa mù chữ (lớp 1, 2, 3), tích cực mở các lớp học giáo dục sau khi biết chữ (lớp 4, 5) để củng cố bền vững kết quả biết chữ, duy trì và từng bước nâng cao chuẩn biết chữ.
Ảnh minh họa
14 tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và có tỷ lệ người mù chữ cao, các tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cần nghiên cứu các giải pháp xóa mù chữ đặc thù. Chẳng hạn, mở rộng nhiều hình thức học xóa mù chữ phù hợp tập quán sinh hoạt của người dân tộc; tổ chức các lớp học xóa mù chữ đến tận địa bàn dân cư; phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản vận động người mù chữ ra lớp học; tăng cường giáo viên chuyên trách xóa mù chữ.
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, điều tra dân số năm 2009, 14 tỉnh có tỉ lệ người mù chữ cao là: Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Gia Lai, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Thuận, Yên Bái, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Bắc Cạn. Lai Châu là tỉnh dẫn đầu về số người chưa biết chữ với 40,6% số người từ 15 tuổi trở lên chưa biết chữ, 52,7% số người từ 36 tuổi trở lên chưa biết chữ; tiếp đó là Hà Giang có 31,7% và 42,5%; Điện Biên có 31,6% và 37,9%; Sơn La có 23,6% và 29,9%...