Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tín dụng vào bất động sản đã có xu hướng giảm

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tại buổi họp báo sáng 21/6, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Tuấn Anh cho biết, đến hết tháng 4, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đạt 4,83%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung toàn nền kinh tế. Nhìn chung xu thế tăng trưởng của thị trường bất động sản có xu hướng giảm.

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, hết tháng 6, tăng trưởng tín dụng vào bất động sản sẽ không tăng mạnh vẫn nằm trong lĩnh vực được NHNN kiểm soát rất chặt chẽ. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trong hai tháng là tháng 3 và tháng 4 bất động sản tăng nóng, đặc biệt là phân khúc đất nền. Do đó, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, NHNN cũng đã tổ chức hội nghị, phân tích và cảnh báo rủi ro tín dụng vào bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.

 

“Đến hiện tại, theo thông tin NHNN nhận được thì giá đất nền tại một số địa phương đã giảm nhiều, thị trường đã dần được kiểm soát và ổn định hơn, mức tăng trưởng tín dụng là trong tầm kiểm soát” ông Tuấn Anh nói.

Còn với tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực chứng khoán, kết thúc tháng 6 tăng trưởng tín dụng và lĩnh vực chứng khoán không thay đổi nhiều và chỉ tăng 4.000-5.000 tỷ đồng so với kết thúc tháng 4 lên 46.700 tỷ đồng.

Với trái phiếu doanh nghiệp, số liệu từ NHNN cho thấy, dư nợ hiện nay là 257.700 tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng dư nợ; Đến hết tháng 6 sẽ chỉ tăng thêm khoảng 2.000 tỷ đồng. Ông Tuấn Anh đánh giá đây không phải là tỷ lệ quá lớn tuy nhiên hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp khá nhạy cảm và NHNN coi đây là một trong những nhiệm vụ giám sát kiểm tra chặt chẽ.

Tiếp tục quản chặt tín dụng vào chứng khoán và bất động sản

Theo NHNN, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến ngày 15/6/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,26%). NHNN cho biết, dự kiến đến cuối tháng 6, tăng trưởng tín dụng có thể đạt khoảng từ 5,5 - 6%. Cơ cấu tín dụng tiếp tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên. Có 3/5 lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tích cực (là xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng tín dụng của toàn nền kinh tế.

Trong bối cảnh này, NHNN tiếp tục kêu gọi các tổ chức tín dụng duy trì chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và tiếp tục kiểm soát chặt tín dụng vào các ngành có rủi ro cao như chứng khoán và bất động sản.

“Thời gian qua, giá chứng khoán biến động. Tới đây, NHNN sẽ có giải pháp giám sát chặt và đặc biệt là câu chuyện lách tín dụng vào lĩnh vực này.  Với trái phiếu doanh nghiệp, tinh thần là không chủ quan và NHNN sẽ giám sát dòng tiền đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp thời gian tới”, ông Nguyễn Tuấn Anh, khẳng định.

Cũng tại phiên họp, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng trong nền kinh tế, 3 thị trường tiền tệ, bất động sản, chứng khoán luôn thông nhau và việc dòng tiền dịch chuyển trong 3 thị trường này là điều bình thường.

Mục tiêu của cơ quan quản lý là tạo điều kiện cho cả 3 thị trường phát triển, nhưng phải điều hướng dòng tiền để đảm bảo an toàn cho thị trường, không tạo bong bóng.

“Bộ Tài chính quản lý thị trường chứng khoán, trái phiếu, NHNN quản lý thị trường tiền tệ, tín dụng, vấn đề đặt ra là làm sao để các thị trường thông nhau, nhưng vẫn đảm bảo thị trường bất động sản, chứng khoán không tạo bong bóng”, Phó thống đốc nói và nhấn mạnh: Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục tăng cường, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát chặt chẽ hoạt động cũng như đầu tư, giám sát chặt chẽ dòng tiền, kiểm tra, kiểm soát sau cho vay đối với các khoản đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán và bất động sản…