Tín ngưỡng thờ vua Hùng trở thành di sản nhân loại

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vào 18 giờ 10 phút (tính theo giờ Việt Nam), ngày 6/11, Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 họp tại Pari (Pháp), đã chính thức thông báo kết quả công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ” của Việt Nam là một trong 35 hồ sơ được xem xét và bỏ phiếu chọn làm di sản phi vật thể tiêu biểu của nhân loại trong kỳ họp thứ 7 của Hội đồng liên quốc gia về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.

"Hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam được đánh giá cao trong cuộc họp xem xét lần này là vì từ hồ sơ, các nhà khoa học đã thể hiện được tín ngưỡng thờ cúng này được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng Việt Nam. Ngoài ra, người Việt Nam còn áp dụng cả tín ngưỡng đó trong giáo dục và nghiên cứu khoa học. Hơn nữa, bộ hồ sơ được chuẩn bị tốt và nêu bật thành tựu trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Rõ ràng, Việt Nam là một hình mẫu cho thấy không phải là quốc gia giàu có nhất mới đưa ra được những biện pháp bảo tồn tốt nhất", theo bà Cécile Duvelle, Trưởng Ban Thư ký của UNESCO.

 
Tín ngưỡng thờ vua Hùng trở thành di sản nhân loại - Ảnh 1

Nghi lễ giỗ Tổ Hùng Vương vào tháng 3 hàng năm tại Phú Thọ. Ảnh: Internet

Ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ, người có mặt trong cuộc họp công bố kết quả UNESCO chiều ngày 6/12, cho biết: "Tín ngưỡng vua Hùng của Việt Nam vinh dự được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới đã khẳng định sự trường tồn, bất diệt, đạo lý nhớ về cội nguồn, hòa hợp dân tộc có từ hàng ngàn năm nay của người Việt, nâng cao ý thức tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của người Việt".

Hiện nay, tỉnh Phú Thọ tiếp tục xây dựng chương trình hành động nhằm bảo tồn và phát huy “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở tỉnh Phú Thọ” như: Mở rộng địa bàn kiểm kê khoa học về tín ngưỡng thờ các vua Hùng với các di tích trên địa bàn cả nước và một số di tích trọng điểm thờ vua Hùng ở nước ngoài; sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ ở các làng quê trên địa bàn; lập danh sách những người thực hành tín ngưỡng thờ các vua Hùng ở các làng xã thuộc tỉnh Phú Thọ; sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các ngọc phả, văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ ở các làng, các tư liệu tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung… ở nước ngoài để lưu trữ và phục vụ cho việc tiếp cận của cộng đồng; bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở đền thờ vua Hùng ở các làng thuộc tỉnh Phú Thọ; hỗ trợ cộng đồng tổ chức các nhóm truyền dạy, nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ...