Giá vàng thế giới giảm mạnh nhất trong 4 năm
Giá vàng thế giới trong ngày 10/6 giao ngay ở mức 2.295,29 USD/ounce. Chốt phiên giao dịch tuần trước, vàng giảm mạnh đến 3,5%, lần đầu xuống dưới mức 2.300 USD/ounce. Reuters nhận định đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2020.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 10/6, giá vàng SJC trong nước được niêm yết ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 74,98 – 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 73,33 – 74,63 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng chiều mua vào và giảm 250.000 đồng/lượng chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Xuất khẩu tôm hùm tăng đột biến
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): trong 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tôm đạt 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tôm chân trắng là mặt hàng mang lại giá trị cao nhất với 935 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tới 72% trong tổng thị phần xuất khẩu các loại tôm. Tiếp đến là tôm sú chiếm 12% đạt 155 triệu USD, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tôm hùm cũng là mặt hàng chiếm tỷ trọng xuất khẩu đáng kể, chiếm hơn 8% với giá trị xuất khẩu đạt trên 106 triệu USD, tăng gấp gần 70 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng đột phá của tôm hùm. Ngoài ra, xuất khẩu tôm sắt, tôm càng, tôm tít, tôm vằn đều có xu hướng tăng tích cực trong thời gian qua.
Đối với thị trường xuất khẩu, hiện nay Trung Quốc đã soán ngôi vị của Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu tôm số 1 của Việt Nam, chiếm 20% tỷ trọng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ấm dần lên
Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC) tính đến ngày 31/5, có 19 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận trong tháng 5/2024 với tổng giá trị đạt 16.695 tỷ đồng, gấp 5 lần so với giá trị phát hành tháng 5/2023.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 59.909 tỷ đồng, tăng 71% so với 5 tháng đầu năm 2023.
Trong đó, có 6 đợt phát hành ra công chúng trị giá 8.878 tỷ đồng, chiếm 14,8% tổng giá trị phát hành và 58 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 51.031 tỷ đồng, chiếm 85,2% tổng số.
Hà Nội thu gần 10.000 tỷ đồng thuế từ thương mại điện tử
Tổng số thuế đã thu được năm 2024 từ 418 sàn thương mại điện tử đạt 2.547 tỷ đồng; từ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử năm 2024 đạt 7.362 tỷ đồng (doanh nghiệp 6.668 tỷ đồng, hộ kinh doanh 608 tỷ đồng, cá nhân 86 tỷ đồng).
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ trong triển khai Đề án 06, đặc biệt là tháo gỡ các điểm nghẽn; đẩy mạnh tạo điều kiện hỗ trợ để kinh tế số phát triển; tăng cường quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh xuyên biên giới, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.
Gia tăng độ bao phủ thẻ tín dụng nội địa
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dù số lượng thẻ tín dụng nội địa còn thấp nhưng sự tăng trưởng mạnh về số lượng, giá trị giao dịch là điểm sáng đáng ghi nhận trong năm vừa qua. Đây cũng là lĩnh vực có tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 3/2024 đạt hơn 904.700 thẻ (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023). Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị 10.000 tỷ đồng (tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị).
Phó Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Lê Anh Dũng cho biết, Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, thu nhập của người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số thịnh hành,... là những lý do khiến thị trường thẻ tín dụng nội địa có rất nhiều tiềm năng phát triển. “Với hơn 900.000 thẻ tín dụng nội địa trong khi quy mô dân số 100 triệu người thì đây là tiềm năng lớn để các tổ chức tín dụng có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa trong thời gian tới”, ông Dũng khẳng định.