Xuất khẩu cà phê lập kỷ lục mới
Với mặt hàng cà phê, 10 tháng năm 2024, xuất khẩu đạt 1,2 triệu tấn, thu về 4,6 tỷ USD. Tuy khối lượng cà phê xuất khẩu giảm 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giá trị lại tăng mạnh hơn 40%.
Nguyên nhân là do giá cà phê xuất khẩu bình quân 10 tháng qua ước đạt 3.981 USD/tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi, các thị trường xuất khẩu chủ lực đều tăng mua loại hạt này của nước ta. Đặc biệt, xuất khẩu sang Philippines và Malaysia có cùng mức tăng gấp 2,2 lần so với năm 2023. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lập kỷ lục lịch sử dù còn 2 tháng nữa mới kết thúc năm.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Đỗ Hà Nam cho biết, năm 2024 có những điều vô cùng đặc biệt với ngành hàng này. Lần đầu tiên giá cà phê Việt Nam đắt nhất thế giới; giá cà phê Robusta xuất khẩu (loại cà phê Việt Nam có sản lượng lớn nhất thế giới) cao hơn cả giá cà phê Arabica.
Giá vàng tiếp đà lao dốc
Giá vàng thế giới trong ngày 2/11 giao ngay ở mức 2736,4 USD/ounce, giảm 10,07 USD/ounce so với hôm qua.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 2/11, giá vàng miếng SJC ở khu vực Hà Nội niêm yết ở mức 87,5 - 89,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 500.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng SJC Phú Quý niêm yết ở mức 87,7 - 89,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và giữ nguyên chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng nhẫn tròn trơn tại Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 87,98 - 88,98 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra) giảm 500.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội tăng 9,4%
Thông tin từ Cục Thống kê Hà Nội, tháng 10/2024, tình hình cung cầu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội duy trì ổn định. Việc bình ổn giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục được thành phố quan tâm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước đạt 77.500 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 48.500 tỷ đồng, tăng 2,7% và tăng 9,6%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 11.200 tỷ đồng, tăng 3% và tăng 10,4%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2.600 tỷ đồng, tăng 5,9% và tăng 32,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 15.200 tỷ đồng, tăng 1,7% và tăng 4,9%.
Dự kiến thu Ngân sách Nhà nước năm 2025 cán mốc gần 2 triệu tỷ đồng
Theo “Báo cáo công khai Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025” Chính phủ trình Quốc hội vừa được Bộ Tài chính công bố, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2025 đạt 1,96 triệu tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024, tương ứng tăng 93.500 tỷ đồng.
Một số khoản thu, sắc thuế dự kiến tăng trưởng mạnh như: thu từ khu vực FDI, thuế Bảo vệ môi trường và nhà đất... Dự toán tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2025 khoảng 2,54 triệu tỷ đồng. Dự kiến bố trí dự toán chi đầu tư phát triển 790.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 31% tổng chi ngân sách Nhà nước.
Kho bạc Nhà nước giảm mạnh tiền gửi tại nhóm Big4
Theo báo cáo tài chính quý III/2024, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại nhóm 3 ngân hàng lớn gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV vào cuối tháng 9 ở mức 175.596 tỷ đồng, giảm 40% so với quý liền trước, tuy nhiên vẫn tăng so với đầu năm.
BIDV là ngân hàng được Kho bạc Nhà nước gửi tiền nhiều nhất, ghi nhận số dư tiền gửi kho bạc là 74.645 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với hồi đầu năm.
VietinBank được Kho bạc Nhà nước gửi 65.310 tỷ đồng tiền gửi thanh toán vào cuối quý III/2024, gấp 3 lần so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, số dư này đã giảm 42.408 tỷ đồng so với quý liền trước.
Trong khi đó, Vietcombank nhận được số tiền gửi là 35.641 tỷ đồng vào cuối quý III.