Giá vàng thế giới tăng kỷ lục, vàng nhẫn tăng vọt
Theo cập nhật giá vàng thế giới ngày 29/3 bất ngờ tăng phi mã, giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng gần 2.233 USD/ounce, tăng mạnh gần 42 USD/ounce so với lúc mở phiên, là mức cao chưa từng có trong lịch sử.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 29/3, giá vàng SJC trong nước được niêm yết ở mức 79 – 81,02 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên giá ở cả chiều mua vào và bán ra so chốt phiên hôm qua.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 78,8 – 80,8 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm nhẹ 200.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so chốt phiên hôm qua.
Ngược chiều vàng miếng, giá vàng nhẫn tiếp đà tăng theo giá vàng thế giới. Mặt hàng này được Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 69,58 – 70,78 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng mạnh 450.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 250.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Nông sản trúng lớn, xuất siêu tăng gần 100%
3 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, lâm thủy sản ước đạt 13,5 tỷ USD; xuất siêu 3,36 tỷ USD, tăng 96,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, xuất khẩu nông sản tăng hơn 31% với kim ngạch 7,46 tỷ USD; lâm sản tăng gần 19% với 3,61 tỷ USD; thủy sản tăng nhẹ 1,9% với 1,86 tỷ USD; chăn nuôi 113 triệu USD, tăng 4,8%; đầu vào sản xuất 481 triệu USD, tăng 8,3%.
Bộ NN&PTNT cho hay, quý I/2024 đã có 4 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, gồm: gỗ 2,32 tỷ USD; rau quả 1,23 tỷ USD; gạo 1,37 tỷ USD; cà phê 1,9 tỷ USD.
Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân một số nông sản cũng tăng. Giá gạo xuất khẩu tăng 5% đạt 661 USD/tấn; giá cà phê tăng gần 7% với hơn 2.300 USD/tấn; giá cao su tăng hơn 5% với gần 1.500 USD/tấn; giá hạt tiêu tăng chóng mặt tới 35% với hơn 4.100 USD/tấn.
3 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 8,08 tỷ USD
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I/2024 đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.
Tính chung quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I/2024, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 82,02 tỷ USD, chiếm 88,1%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I/2024 ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu quý I/2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 79,9 tỷ USD, chiếm 94%.
Gần 60.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong quý I/2024
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024 của Tổng Cục Thống kê cho thấy, trong tháng 3, cả nước có 14.100 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 64,3% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, có hơn 3.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Trong khi đó, tháng 3 ghi nhận 4.139 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 4.980 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 1.412 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Tính chung quý I/2024, cả nước có 59.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có gần 20.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 73.900 doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có gần 24.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Gạo Việt trúng thầu Indonesia với giá thấp nhất
Năm 2024, Indonesia dự kiến nhập khẩu tới 3,6 triệu tấn gạo và là nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới sau Philippines. Hiện Indonesia đang nỗ lực tăng lượng gạo nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và kiềm chế lạm phát.
Theo đó, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa chốt hợp đồng 300.000 tấn gạo với các nhà cung cấp. Theo thứ tự, các doanh nghiệp Thái Lan trúng thầu với sản lượng nhiều nhất 117.000 tấn, đứng thứ 2 là Việt Nam 108.000 tấn, phần còn lại từ Pakistan và Myanmar.