Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tinh tế tên đường, tên phố

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (5/12), HĐND TP Hà Nội xem xét tờ trình đề nghị đặt tên 42 tuyến phố mới cho Hà Nội. Năm nào cũng vậy, tên đường, tên phố cũng được bổ sung đặt mới.

Với người yêu Hà Nội, tên đường, tên phố không chỉ gợi nhớ những địa danh mang tính điểm đến mà còn là nét văn hóa và cả chiều dài lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Chẳng phải vô tình, Hà Nội chọn khu vực quanh Hồ Tây (quận Tây Hồ) mang tên những con phố của các thi nhân, họa sĩ như Đặng Thai Mai, Tô Ngọc Vân và mở ra các tên tuổi thời hiện đại như Trịnh Công Sơn. Các con phố quanh quận Cầu Giấy cũng là sự kết nối của đời vua, quan: Thành Thái, Trần Thái Tông, Dương Đình Nghệ… Cách đặt tên đường phố Hà Nội là sự tiếp nối những dụng ý của Thị trưởng Trần Văn Lai từ thời kỳ năm 1945. Nếu người Pháp chọn các tên phố mang tên danh nhân Pháp, Thị trưởng Trần Văn Lai đã đặt các tên phố chính quanh Hồ Gươm mang tên các danh nhân Việt Nam, gắn với thời kỳ đầu dựng nước như Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Lý Nam Đế. Phố chính Trần Hưng Đạo giáp với một loạt phố nhỏ mang tên các danh tướng thời Trần như Trần Bình Trọng, Dã Tượng, Yết Kiêu. Tương tự, phố chính Lê Thái Tổ nối với các phố mang tên những tướng thời Hậu Lê như Lê Lai, Lê Thạch, Đinh Lễ - trong khi trục đường cạnh sông Hồng lại gắn với những tướng giỏi về thủy chiến thời Trần như Trần Khánh Dư, Nguyễn Khoái, Trần Quang Khải.

Trong 42 tên đường phố được trình xin ý kiến đặt tên năm 2018, có những danh nhân được mong đợi đặt tên từ nhiều năm trước như doanh nhân Trịnh Văn Bô và họa sĩ Bùi Trang Chước. Doanh nhân Trịnh Văn Bô gắn với tinh thần yêu nước từng hiến hơn 5.000 lượng vàng cho Chính phủ trong “Tuần lễ vàng” năm 1945. Họa sĩ Bùi Trang Chước là người đã vẽ Quốc huy Việt Nam hiện tại. Sẽ không còn ở đâu hợp lý hơn khi đặt phố Trịnh Văn Bô trên trục đường kéo dài thuộc khu đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm). Vị trí đặt tên đường Trịnh Văn Bô không chỉ vì con đường to rộng, xứng tầm với công lao cống hiến cho Chính phủ trong “Tuần lễ vàng” mà con phố nằm liền kề phố Trần Hữu Dực - một chiến sĩ cách mạng kiên cường, nổi bật lên trong phong trào cách mạng ở Quảng Trị trong những năm 20 - 30 của thế kỷ XX. Hoặc những cái tên dự kiến trong lần đặt lần này như danh nhân Nguyễn Quốc Trị (quận Cầu Giấy), Nguyễn Bặc (huyện Thanh Trì) cũng mang những dụng ý tinh tế không kém.

Mỗi năm qua đi, chúng ta mừng vì TP có thêm những tuyến phố mới - trong đó có những tuyến phố mang tên danh nhân. Và cũng hy vọng trong tương lai, cách đặt tên đã thành truyền thống ấy sẽ tiếp tục được nghiên cứu xây dựng một cách bài bản, khoa học, để những con phố mới sớm trở nên gần gũi, thân thuộc với mỗi người dân Hà Nội.