Câu chuyện trở về
Rời Hà Lan để về làm việc tại Việt Nam là cả một chuỗi ngày trăn trở nghĩ suy của TS Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1972) - người trẻ nhất trong số 52 nhà khoa học được phong GS đợt vừa rồi. Bởi ở Hà Lan - nơi anh làm luận án TS chuyên ngành Vật liệu điện tử, rất dễ xin được việc làm với mức lương cao. Thế nhưng, khi nghe thầy giáo người Hà Lan khuyên "về nước để đóng góp công sức cho sự phát triển của đất nước", anh ngẫm nghĩ từng ngày và cái mức lương cao kia cứ mờ dần trong anh. Rồi với quyết tâm “trở về” nung nấu trong lòng, chỉ 2 tuần sau khi bảo vệ luận án TS, Nguyễn Văn Hiếu đã cùng gia đình ra phi trường.
Đúng như TS Hiếu dự đoán, trở về làm việc tại Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, anh vướng rất nhiều khó khăn về chuyên môn và định hướng nghiên cứu. 3 năm đầu làm việc tại Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học Vật liệu (ITIMS), anh hầu như không được nhận đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH), bởi "mình là người mới". Vì cuộc sống, anh TS trẻ phải đến các công ty để "tăng ca" ngoài thời gian làm việc ở trường. Làm đấy nhưng lòng dạ anh vẫn rối bời vì "thấy mình không hợp với việc này".
Vậy nhưng, nghĩ lại, anh vẫn thấy sự trở về của mình là đúng. Anh thành thật: "Trong lúc khó khăn, tôi được các thầy tạo điều kiện cho cùng làm đề tài. Năm 2009, Quỹ Khoa học Công nghệ quốc gia (Nafosted) ra đời là nguồn rất tốt để tôi tìm thấy đề tài nghiên cứu. Cũng từ đây, cuộc sống gia đình được đảm bảo và có nguồn kinh phí, tôi bắt đầu triển khai các nghiên cứu cho nhóm của mình”. Trong khoảng 7 năm (từ 2009 đến nay), anh và các thành viên trong nhóm có 130 công trình nghiên cứu, trong đó 85 công trình "có mặt" trên các tạp chí ISI. Ai cũng ngạc nhiên trước con số công trình kỷ lục ấy. “Mình có cách tổ chức rất chuyên nghiệp. Lúc đầu nhóm chỉ có một người, nhưng đến năm 2011, chúng tôi kêu gọi được những TS rất giỏi trở về cùng làm việc. Cùng hướng nghiên cứu, có sự phối hợp tốt và phân công mỗi người làm mỗi việc, nên chúng tôi viết được nhiều công trình” - vị GS trẻ chia sẻ.
Với nhiều người, chức danh GS là đỉnh cao trên con đường sự nghiệp, nhưng với TS Hiếu: “GS chỉ là một vị trí làm việc, là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mới. Tôi đã có nhiều công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí uy tín, nhưng các tạp chí hàng đầu của thế giới thì chưa. Đây là động cơ để tôi tiếp tục phấn đấu trong tương lai”. Tháng 11 này, thầy giáo Hiếu có 2 niềm vui lớn. Ngoài chức danh GS, ngày 18/11 vừa rồi, anh được Ban Giám hiệu ĐH Bách khoa Hà Nội bổ nhiệm làm Viện trưởng ITIMS. Biết rằng nhận vị trí mới, thời gian dành cho nghiên cứu sẽ bị giảm đi, nhưng anh chia sẻ, sẽ có cách phân chia công việc quản lý và chuyên môn hợp lý. Điều quan trọng đối với anh là có cơ hội để tạo điều kiện cho mọi người cùng phát triển.
Nói về những người thầy đã dẫn dắt mình trên con đường NCKH, tân Viện trưởng ITIMS nghĩ ngay đến GS.NGND Nguyễn Đình Chiến. Người thầy ấy đã hướng dẫn học trò của mình làm luận án thạc sĩ và sau này là định hướng cách nghiên cứu cho đến hình thành năng lực. Tình thương học trò như con của GS Chiến đã truyền sang học trò Hiếu để anh tự tin bước đi trên con đường mình đã chọn. “Tôi đã làm việc không biết mệt mỏi để được mọi người nhận ra và công nhận. Đó là niềm hạnh phúc và cũng là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu có những công trình khoa học đỉnh cao” - vị GS trẻ chân thành.
Vừa làm thầy, vừa làm thợ
Khác với mơ ước của GS Nguyễn Văn Hiếu về những công trình khoa học, mong mỏi của thầy giáo trẻ Ngô Văn Dũng - trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội rất đỗi bình dị. Anh mong hàng ngày được cùng học trò khám phá những chiếc ôtô hỏng, để "hồi sinh" chúng trên những cung đường.
Vào xưởng thực hành của Khoa Công nghệ ôtô mới thấy không khí trái ngược với sự sôi động ngoài cổng trường. Thầy giáo sinh năm 1985 - người vừa đoạt giải Nhất Hội giảng giáo viên dạy nghề toàn quốc năm 2015 cởi mở: “Tham gia hội thi này, tôi học được nhiều kinh nghiệm chuyên môn và nghiệp vụ từ các đồng nghiệp. Tôi đang tổng hợp lại những bài học này để chia sẻ với các giáo viên trong Khoa, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng cho học sinh”. Giáo viên trường nghề có đặc thù riêng. Giờ lên lớp của họ không chỉ có phấn trắng, bảng đen hay máy chiếu, mà còn là áo bảo hộ, là dầu mỡ nơi xưởng thực hành để chỉ cho học sinh biết từng lỗi kỹ thuật trên ôtô. Đặc biệt, khi công nghệ ôtô ngày càng hiện đại, những dòng xe đời mới liên tục ra đời, buộc thầy Dũng không thể trông chờ vào nội dung giáo trình. Anh phải cập nhật những tài liệu mới nhất và trải nghiệm thực tế. Ngoài giờ giảng ở trường, anh còn đi học nâng cao, đến xưởng ôtô làm công nhân. Anh bảo, đây là cách trải nghiệm thực tế, cũng là cách giúp anh cải thiện cuộc sống. “Đầu vào của học sinh trường nghề không thể bằng các trường ĐH và cao đẳng chuyên nghiệp. Bởi vậy, tôi thường tạo áp lực cho học trò mỗi khi thực hành. Tôi cố tình tạo ra "bệnh" cho ôtô, rồi cùng học trò sửa. Với cách làm này, những học sinh lười nhất cũng hứng thú học” - thầy Dũng chia sẻ.
Những năm gần đây, nhiều giáo viên trường nghề bỏ việc vì xu hướng đổ xô vào ĐH, nhưng thầy Dũng vẫn kiên trì bám trụ. Anh thành thật: “Hàng ngày được tiếp xúc với nghề, cập nhật những kiến thức mới, tôi rất phấn khởi và tự tin. Cũng bởi có tình cảm với học trò, nên tôi chẳng muốn rời xa nơi này dù đồng lương thấp”. Thầy Dũng chỉ mong tới đây, trường nghề được tăng đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy học, giáo viên dạy nghề được tăng lương và được tạo ra những sân chơi để nâng cao tay nghề.
Thầy giáo trẻ Ngô Văn Dũng - trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội hướng dẫn sinh viên trong xưởng thực hành của Khoa Công nghệ ô tô. Ảnh: Phạm Hùng
|