Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu đều cho rằng, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc, tố tụng do pháp luật quy định và đáp ứng yêu cầu cấp bách thực tiễn hiện nay.
Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum, về lý thuyết tổ chức phiên tòa trực tuyến là hình thức xét xử trực tiếp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin. Các yêu cầu khác của một phiên tòa vẫn theo quy định của pháp luật. “Theo kinh nghiệm của các nước, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu. Hơn nữa, việc tổ chức phiên toà trực tuyến không trái với đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam”, đại biểu Trần Thị Thu Phước nhấn mạnh.
Tán thành với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho rằng mục tiêu cao nhất của việc xây dựng Tòa án điện tử, trong đó có việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là để góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đảm bảo quyền con người, bảo vệ công lý ngày càng hiệu quả hơn.
“Tình hình thực tiễn đang đặt ra, yêu cầu hết sức cấp bách khi đại dịch Covid-19 bùng phát luôn thay đổi với các biến thể mới, đã, đang và có thể sẽ diễn biến hết sức phức tạp thì việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến sẽ bảo đảm cho việc xét xử bình thường của Tòa án, đồng thời bảo vệ quyền con người của bị cáo, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân…”, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho biết.
Đối với nội dung dự thảo Nghị quyết, về phạm vi tổ chức, khái niệm và nguyên tắc cơ bản của phiên tòa trực tuyến được quy định tại Điều 1 Dự thảo, đại biểu cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã quy định phạm vi tổ chức phiên tòa trực tuyến theo hướng giới hạn phạm vi, chỉ tổ chức phiên tòa trực tuyến với một số vụ án hình sự, dân sự, hành chính với các căn cứ điều kiện cụ thể, chặt chẽ, có tính chất tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã rõ ràng là hoàn toàn phù hợp và sẽ bảo đảm được tính khả thi cao trong quá trình tổ chức thi hành.
Phát biểu từ điểm cầu tỉnh Bình Định, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, xét xử trực tuyến là hình thức xét xử mới chưa được các luật tố tụng hiện hành quy định, liên quan đến quyền con người, quyền công dân nên cần được tiến hành thận trọng, từng bước chắc chắn. Do đó, việc giới hạn phạm vi chỉ tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với một số vụ án hình sự, dân sự, hành chính với các căn cứ, điều kiện cụ thể, chặt chẽ (vụ án có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng); không tổ chức phiên tòa trực tuyến các vụ án khác là cần thiết và bảo đảm tính khả thi.
Cũng tại phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định thời hạn cụ thể để Toà án nhân dân tối cao báo cáo Quốc hội về kết quả tổ chức phiên tòa trực tuyến sau một thời gian thực hiện; Rà soát để quy định khái niệm phiên tòa trực tuyến khái quát, ngắn gọn hơn; Tham khảo, có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xét xử trực tuyến;...
Trước đó, trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết mục đích tổ chức phiên tòa nhằm: Bảo đảm tư pháp không chậm trễ, xét xử nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan; Tạo cơ chế thuận lợi để tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, tiết kiệm chi phí xã hội; Tổ chức phiên tòa trực tuyến góp phần nâng cao hiệu quả năng lực hoạt động của Tòa án, bảo đảm từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu thế quốc tế, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử.
Việc ban hành Nghị quyết phải bảo đảm các quan điểm: Thực hiện đúng các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp và xây dựng xã hội số; Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; Bảo đảm các nguyên tắc pháp quyền: Độc lập, công khai, bình đẳng, dân chủ, nghiêm minh, khách quan, đúng pháp luật và trật tự tôn nghiêm; Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng theo quy định của pháp luật; Tham khảo, có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về xét xử trực tuyến, để tiếp thu phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Về nội dung, Nghị quyết có 3 Điều qui định những nội dung cơ bản sau:
(1) Tòa án nhân dân tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.
(2) Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại Phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.
(3) Nghị quyết giao Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và cơ quan có liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn việc tổ chức thực hiện phiên tòa trực tuyến.
(4) Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022.