Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu giải trình tại Quốc hội trước khi trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. |
Tại Kỳ họp này, các vị đại biểu Quốc hội đã gửi 76 phiếu chất vấn đến các thành viên Chính phủ, trong đó có 6 phiếu chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Trong hơn 2 ngày qua, các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã trực tiếp trả lời chất vấn; 2 đồng chí Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia báo cáo, giải trình thêm tại Hội trường.
Đa số các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với 13/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, các chỉ số vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực; tạo không khí phấn khởi trong làm ăn kinh doanh và trong toàn xã hội; triển khai hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước được nâng lên.
Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội cũng lưu ý những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Chính phủ lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu và sẽ tập trung giải quyết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.Cập nhật tình hình kinh tế - xã hội từ Phiên khai mạc đến nay, Thủ tướng cho biết, các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều chuyển biến tích cực hơn, tiếp tục khẳng định kết quả đạt được toàn diện như đã báo cáo Quốc hội.
Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành không chủ quan, theo dõi sát diễn biến tình hình, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, tận dụng cơ hội cuối năm để phát triển sản xuất kinh doanh và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 10 tăng 2,25% so với tháng 12/2016, bình quân 10 tháng tăng 3,71%.
Các chính sách tài chính, tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế; vốn tín dụng tập trung cho lĩnh vực ưu tiên; thị trường chứng khoán vượt mốc 890 điểm, tiếp tục thoái vốn thành công tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 17%, 10 tháng tăng 8,7% (cùng kỳ tăng 7,3%). Tổng cầu phục hồi, thị trường phát triển tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,7%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 9,4%. Thu hút khách quốc tế vượt 10 triệu lượt, tăng trên 28%.
Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện. Ngân hàng Thế giới vừa công bố xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.
Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo các cấp, các ngành chủ động vào cuộc cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp phòng chống, ứng phó và khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất, đời sống. Khẩn cấp hỗ trợ lương thực, thuốc men cho đồng bào. Kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm và đề ra nhiều giải pháp cả cấp bách và dài hạn tập trung phòng chống thiên tai. Chính phủ trân trọng cảm ơn đồng chí, đồng bào cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, bạn bè quốc tế đã cùng chung tay chia sẻ khó khăn, mất mát, ủng hộ và giúp đỡ đồng bào vùng bị thiệt hại.
Quyết liệt cải cách hành chính
Về cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, kịp thời giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, từ năm 2015 đến nay đã tinh giản được trên 30.000 người. Tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác cán bộ, nhất là tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý; đã xử lý nghiêm nhiều vi phạm.
Tuy nhiên, cải cách hành chính nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Tinh thần hành động quyết liệt đã được thể hiện rõ trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhưng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, "thờ ơ", đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, cửa quyền, vô cảm, chưa ứng xử, thực thi công vụ theo quy định; còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí gây bức xúc dư luận.
Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới thực hiện nghiêm Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết thực hiện mục tiêu từ nay đến năm 2021, mỗi năm giảm ít nhất 2,5% biên chế trong cả hệ thống chính trị; bảo đảm nguyên tắc không thành lập mới tổ chức làm tăng biên chế, trừ trường hợp đặc biệt được lãnh đạo Đảng, Nhà nước phê duyệt chính thức.
Giải quyết đồng bộ sẽ giảm khoảng cách giàu nghèo
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) chất vấn: Sự chênh lệch giàu nghèo, phân hóa xã hội đang diễn ra, đề nghị Thủ tướng cho biết quan điểm về vấn đề này và các giải pháp. Thủ tướng cho biết giải pháp nhằm triển khai định hướng phát triển kinh tế tư nhân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mục đích cuộc cách mạng là nâng cao đời sống người dân cả vật chất và tinh thần ở các vùng miền. Trong kháng chiến thực hiện phương châm người cày có ruộng, Bác Hồ nói không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Đảng xác định xã hội công bằng văn minh.
Cả hệ thống liên tục phấn đấu cho mục tiêu dân giàu nước mạnh, công bằng, văn minh và đạt nhiều kết quả. Đời sống của nhân dân được cải thiện rất đáng kể. Tuy vậy, tỷ lệ người nghèo, nhất là vùng xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, bãi ngang vẫn còn xảy ra. Thu nhập ở nông thôn chưa bằng một nửa thành thị, đặc biệt ở miền núi còn 41%.
Việc phối khối của cải xã hội hợp lý là chủ trương làm liên tục, thể hiện định hướng XHCN trong quan điểm phát triển của nước ta.
Muốn giải quyết được vấn đề này phải tiến hành nhiều việc. Về mặt kinh tế, đẩy mạnh ổn định tái cơ cấu kinh tế, tăng năng suất chất lượng hiệu quả tốt hơn Cùng với đó, đào tạo việc làm cho người nông dân, nông thôn, miền núi, điều tiết thu nhập qua thuế tốt hơn, an sinh xã hội mạnh mẽ hơn.
Về mặt chính trị, muốn giảm khoảng cách thì ổn định chính trị vô cùng quan trọng, dân chủ công khai để mọi người dân có cơ hội vươn lên, tạo điều kiện cho người dân làm chủ. Có nhận thức tốt, hành động tốt, chính trị tốt, kinh tế tốt thì mới giải quyết tốt khoảng cách giàu nghèo.
Về mặt xã hội tiếp tục tiếp cận giáo dục y tế cho người nghèo, người yếu thế, chính sách người có công, người dân tộc thiểu số... tiếp tục đặt ra.
Ngoài ngân sách Nhà nước thì xã hội hoá mạnh mẽ giảm nghèo, khơi dậy trách nhiệm xã hội, vượt khó, nhân rộng mô hình thoát nghèo hiệu quả.
Với tinh thần giảm khoảng cách giàu nghèo phải quan tâm mạnh mẽ hơn, dành nguồn lực nhiều hơn cho các vùng, nhất là quan tâm vùng còn khó khăn mà ta đã nêu ra để tạo cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, giải quyết tốt chính sách đã ban hành đến tận người dân. Giải quyết đồng bộ sẽ giảm khoảng cách giàu nghèo.
Có ổn định vĩ mô thì các thành phần mới phát triển
Về giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết Trung ương cũng đã được ban hành. Giải pháp về đầu tư kinh doanh rất cần thiết. Có ổn định vĩ mô thì các thành phần mới phát triển. Công khai, minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, nhất là thủ tục đơn giản hơn, bảo vệ nhà đầu tư một cách chính đáng. Vì thế ta vui mừng doanh nghiệp tư nhân trong năm nay có thể thành lập mới 125.000 doanh nghiệp.
Về giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư, tiếp tục giảm chi phí, lệ phí, nhất là chi phí không chính thức, tránh kiểm tra chồng chéo. Nhân đây tôi đề nghị tư nhân nói không với đưa hối lộ các cấp, ngành để giảm chi phí không chính thức. Tạo không gian cho kinh tế tư nhân phát triển như tham gia cổ phần hoá DNNN, thị trường chứng khoán ổn định, liên kết. Doanh nghiệp muốn phát triển phải xây dựng văn hoá doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, nâng cao quản trị. Một ý chí doanh nhân, tư nhân Việt Nam tự tin, dám nghĩ, dám làm. Cấp uỷ, chính quyền và nhân dân cổ vũ động viên.
Chưa làm tốt quy hoạch trong triển khai BOT
ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đặt câu hỏi: Cử tri băn khoăn về chất lượng tăng trưởng, Thủ tướng có giải pháp gì để nâng cao chất lượng tăng trưởng. Thứ hai, Thủ tướng có biện pháp gì để nâng cao chất lượng các dự án BOT?
Thủ tướng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội chiều 18/11/2017. |
Về giải pháp để nâng cao chất lượng tăng trưởng sắp tới, Thủ tướng cho biết, đó là tạo môi trường kinh doanh tốt hơn nữa, hướng tới nền kinh tế số; đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế; đào tạo lao động, ứng dụng công nghệ, tiếp cận thị trường lớn; bảo vệ môi trường... Cần phải đẩy mạnh chất lượng tăng trưởng chứ không chỉ số lượng tăng trưởng.
Trả lời chất vấn của đại biểu về BOT, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xã hội hóa, huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng cho đất nước.
Trong những năm qua, lĩnh vực giao thông đã huy động được 210 nghìn tỷ đồng thông qua các dự án BOT.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu rõ, nhiều dự án BOT còn hạn chế, tồn tại, quy hoạch chưa làm tốt, triển khai ồ ạt, có những tuyến đường khiến dư luận bất bình về nơi đặt trạm, về giá phí...
“Chính phủ đang rà soát để quyết liệt chấn chỉnh các hạn chế của BOT”, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về BOT để triển khai tốt hơn trong thời gian tới”, Thủ tướng cho biết.
Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải kiểm soát được tổng mức đầu tư, giá phí các dự án BOT, tổ chức đấu thầu công khai để nhiều nhà đầu tư tham gia.
Xây dựng đô thị thông minh là xu thế của thế giới
ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận): Thủ tướng mong muốn gì về đô thị thông minh, Chính phủ sẽ hỗ trợ gì cho các địa phương để thực hiện đô thị thông minh?
Về chủ trương xây dựng đô thị thông minh, Thủ tướng nhấn mạnh đây là xu thế của thế giới. Mục tiêu của đô thị thông minh là nâng cao hiệu quả quản trị công; nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; bảo vệ môi trường; xây dựng chính quyền kiến tạo vì dân, sát dân... Hiện một số địa phương đã triển khai như TPHCM, Bình Dương... Thủ tướng hoan nghênh các địa phương đã mạnh dạn đồng thời cũng cảnh báo việc xây dựng đô thị thông minh cần tiến hành bài bản, có hệ thống, phải có công nghệ, có con người... nếu không sẽ thất bại.
Về phòng chống tham nhũng, Thủ tướng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước quyết tâm phòng chống tham nhũng; chúng ta kiên quyết xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, không có vùng cấm và phải công khai kết quả xử lý các vụ án tham nhũng để nhân dân biết, giám sát, tin tưởng... Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp FDI trong bức tranh chung của nền kinh tế Việt Nam với nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp thiết thực vào nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên bên cạnh những tiến bộ, còn một số tồn tại, bất cập cần xử lý như: Một số doanh nghiệp FDI công nghệ còn thấp; còn có tình trạng chuyển giá, trốn thuế; một số doanh nghiệp vi phạm về một trường... Thủ tướng nhấn mạnh cần đổi mới trong thu hút, quản lý doanh nghiệp FDI, không thu hút đầu tư bằng bất cứ giá nào, xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm; kết hợp giữa FDI với doanh nghiệp trong nước để hai chủ thể này cùng phát triển có lợi...Về vấn đề ngăn chặn nạn phá rừng, Thủ tướng cho biết đi thực tiễn địa phương, chứng kiến tình hình nghiêm trọng đã báo cáo Ban Bí thư ra Chỉ thị 13 chống phá rừng tự nhiên. Chính phủ đã tổ chức 3 hội nghị toàn quốc triển khai vấn đề này. Bước đầu đã đạt được những kết quả, nhiều địa phương xử lý nghiêm tình trạng phá rừng xảy ra một cách nghiêm khắc nhất (Bình Định, Gia Lai, Quảng Nam, Huế, Điện Biên); đồng thời tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng, năm nay chỉ tiêu trồng rừng Quốc hội giao đã đạt mục tiêu đề ra;...Chủ động thiết kế chính sách, pháp luật để đất nước phát triển
Đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Vũ Tiến Lộc nói: Ngay sau khi Chính phủ nhiệm kỳ mới thành lập, cùng với chủ trương xây dựng quốc gia khởi nghiệp, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đưa thông điệp về Chính phủ kiến tạo. Đây là thông điệp có sức lay động ở trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau về thông điệp này, đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ kiến tạo là tuyên ngôn về phương thức làm việc hay mô hình của Chính phủ mới? Nội dung cốt lõi của Chính phủ kiến tạo là gì? Chính phủ kiến tạo có những điểm mới nào so với mô hình quản lý truyền thống?
Trả lời chất vấn này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nội hàm của Chính phủ kiến tạo trước hết là chủ động thiết kế chính sách, pháp luật để đất nước phát triển.
Thứ hai, Nhà nước không làm thay thị trường và nhân dân, cái gì nhân dân làm tốt thì để nhân dân, xã hội làm.
Thứ ba, Chính phủ kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi. Môi trường kinh doanh của nước ta không chỉ dẫn đầu khu vực ASEAN, mà còn vươn lên nhóm các quốc gia phát triển.
Thứ tư, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế để phục vụ người dân. Chính phủ kiến tạo là Chính phủ phục vụ tốt nhất cho người dân, mà trước hết là phục vụ y tế và giáo dục.
Thứ năm, Chính phủ kiến tạo là Chính phủ hành động, nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, thiết lập kỷ cương, đặc biệt phải thay ngay theo thẩm quyền khi cán bộ không đáp ứng yêu cầu, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ sáu, xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử...
Thủ tướng cũng nêu rõ, sự khác nhau giữa Chính phủ kiến tạo và Chính phủ điều hành là Chính phủ kiến tạo có sự chủ động hơn về chính sách, pháp luật, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Chính phủ điều hành là Chính phủ chỉ thực hiện trên chính sách, pháp luật.
Cần phát triển mạnh mẽ FDI trên tinh thần cơ cấu lại
ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa): Thủ tướng đánh giá thế nào về thực trạng các doanh nghiệp FDI thời gian vừa qua? Chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là rất rõ ràng và nhất quán. Nhưng trong quá tình tổ chức triển khai thực hiện thì chưa bao giờ chúng ta đạt được theo kế hoạch. Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng có biện pháp gì đối với thực trạng này?Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: “Đây là vấn đề tôi rất tâm huyết”, đồng thời khẳng định rằng FDI đóng vai trò quan trọng cho xuất khẩu, giải quyết lao động, chuyển giao công nghệ và quản lý, đặc biệt góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước.Riêng xuất khẩu FDI chiếm 60% tổng xuất khẩu kim ngạch của đất nước, giải quyết 3 triệu việc làm. Trong một số mô hình quản lý cũng rất tốt, và bước đầu đã kết hợp FDI với doanh nghiệp trong nước. Rất nhiều tấm gương tốt ở FDI đã phát triển ở Việt Nam. “Chúng ta không nói một chiều rằng FDI không hay mà chính FDI đã đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam, và là một thành phần của nền kinh tế Việt Nam”, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, bên cạnh những tiến bộ, FDI còn một số tồn tại phải xử lý. Đó là công nghệ còn ở mức trung bình, có tình trạng chuyển giá, trốn thuế, vi phạm môi trường trong một số doanh nghiệp FDI. Quan điểm là “chúng ta phải xử lý nghiêm”, và “cần phát triển mạnh mẽ FDI trên cơ sở tái cơ cấu FDI”.
Theo đó, “chúng ta cần cái gì thì kêu gọi đầu tư, nhưng không phải kêu gọi đầu tư mọi thứ và không phải đầu tư bằng bất cứ giá nào”, Thủ tướng nói, và mong muốn “các bộ, ngành, địa phương cần triển khai mạnh mẽ hơn việc kết hợp giữa FDI và đầu tư trong nước”. Hai chủ thể phải cùng phát triển, cùng có lợi. Đặc biệt, việc tạo dựng môi trường đầu tư và nguồn nhân lực thật tốt của Việt Nam cũng chính là môi trường quan trọng để thu hút FDI vào Việt Nam.
Thủ tướng chưa hài lòng với kết quả điều hành kinh tế đất nước
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) chất vấn: Qua thảo luận ở Quốc hội, Thủ tướng có hài lòng với kết quả điều hành kinh tế đất nước năm 2017 không? Nỗi lo lớn nhất của Thủ tướng về đất nước là gì? Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng, “đây là câu hỏi hóc búa”. Đồng thời Thủ tướng nêu rõ, như báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội ngay đầu nhiệm kỳ này, đó là dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của người dân, doanh nghiệp, đất nước đã vượt qua khó khăn, đạt được thành công bước đầu quan trọng, là năm đầu tiên có thể hoàn thành 13/13 chỉ tiêu do Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội giao cho Chính phủ.“Kết quả đó rất đáng phấn khởi, nhưng chúng tôi xác định đó là kết quả bước đầu”, Thủ tướng nhận định.
Theo Thủ tướng, chất lượng tăng trưởng có khá hơn, môi trường kinh doanh tốt hơn, trong điều kiện thiên tai, bão lũ xảy ra, gây nhiều thiệt hại, nhưng chúng ta vươn lên được. Nhưng quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thiên tai liên tục xảy ra, khoa học công nghệ còn lạc hậu, năng lực nguồn nhân lực còn hạn chế...
Chính vì vậy, "trả lời câu hỏi có hài lòng với kết quả điều hành không? Thì Tôi thấy chưa hài lòng! Chúng ta phải thẳng thắn như vậy. Chính vì vậy, cần làm tốt hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa và đồng bộ hơn nữa thì kết quả tốt hơn”, Thủ tướng nêu rõ.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau). Ảnh: ĐBND |
Thủ tướng lo “trên nóng, dưới lạnh”, cán bộ “quan liêu, xa dân”
Trả lời câu hỏi Thủ tướng lo lắng gì nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: Đảng ta đã nhận định từ lâu các nguy cơ tụt hậu, diễn biến hòa bình, tham nhũng, gần đây theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là chống sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Và lo lắng nữa là hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh”, một bộ phận cán bộ còn nhũng nhiễu, sách nhiễu, chưa sát dân, chưa gần dân, kịp thời giải quyết các nguyện vọng chính đáng của người dân.
“Xa dân, quan liêu là điểm phải lo lắng nếu có ở bộ máy của ta”, Thủ tướng nói, “không phải tất cả, nhưng điều đó rất nguy hiểm”.
Do đó, phải tiếp tục thực hiện kiến tạo, liêm chính, hành động vì nhân dân. Cả bộ máy phải đồng lòng vì nhân dân, để dân tin, không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Quan trọng trong điều hành hiện nay là giải quyết các “điểm nghẽn” Đại hội Đảng ta đã chỉ ra, đó là hạ tầng, nguồn nhân lực, thể chế, chính sách, phát huy tiềm năng đất nước.
Đảng, Nhà nước không cho phép chìm xuồng vụ án tham nhũng
ĐB Lê Thanh Vân hỏi thêm: Đại án liên quan tham nhũng, buôn lậu, lạm dụng quyền lực tuy được phát hiện nhưng xử lý không nghiêm. Phải chăng có vùng cấm? Thủ tướng có giải pháp gì đưa các vụ án ra xét xử nghiêm minh?Về một số vụ án có bị chìm xuồng không? Tôi xin khẳng định, Đảng, Nhà nước không cho phép chìm xuồng vụ án tham nhũng. Không có vùng cấm trong việc xử lý tham nhũng. Chính vì vậy hệ thống hành pháp, tư pháp phối hợp các cấp, ngành, địa phương xử lý nghiêm vi phạm, đúng pháp luật để Nhân dân yên tâm, công khai kết quả trước Quốc hội.Cổ phần hóa DNNN: Cổ đông càng nhiều thì giám sát càng nhiều
Về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng nêu rõ, còn nhiều bộ, ngành, địa phương chưa tích cực, chưa chủ động. Một số doanh nghiệp chưa quyết liệt, sợ cổ phần hóa, thoái vốn. Hay các doanh nghiệp cổ phần hóa quy mô lớn, thời gian chuẩn bị kéo dài, quy mô thị trường còn nhỏ, hấp thụ vốn còn hạn chế.Cho nên, “chủ trương của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh quyết liệt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đề án, lộ trình thoái vốn”, Thủ tướng nói.
Theo đó, không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường những doanh nghiệp nhà nước ở lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Xử lý nghiêm sai phạm, lợi ích nhóm, thất thoát vốn nhà nước.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, tháo gỡ vướng mắc, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tạo chuyển biến rõ nét về quản trị, niêm yết trên thị trường chứng khoán là những việc làm cần thiết.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không phải chỉ là thu hút vốn, nguồn lực mà còn góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cổ đông càng nhiều thì giám sát càng nhiều. Đây đều là chủ trương quan trọng mà Chính phủ tiếp tục triển khai trong thời gian gần đây.
Việt Nam không phải là cánh đồi xơ xác mà phải là cánh rừng bạt ngàn
ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng): Trước nạn phá rừng ngày càng nghiêm trọng, Thủ tướng ra lệnh đóng cửa rừng. Vậy xin Thủ tướng cho biết kết quả thực hiện lệnh thế nào? Vì sao có lệnh rồi mà vẫn xảy ra nhiều vụ phá rừng nghiêm trọng? Thời gian tới Chính phủ có giải pháp gì để giữ và phát triển rừng hiệu quả hơn?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng tôi đi thực tiễn thấy tình hình phá rừng tự nhiên nghiêm trọng nên về báo cáo, Ban Bí thư có chỉ thị rất quan trọng là chống phá rừng tự nhiên và cũng có hội nghị toàn quốc triển khai về vấn đề này. Vừa qua, kết quả đạt được đáng mừng khi số vụ phá rừng giảm xuống. Nhiều địa phương xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, từ Bình Định, đến Gia Lai, Quảng Nam, Huế, Điện Biên...
Nhận thức của cấp uỷ, chính quyền ngày càng tốt hơn trong việc ngăn chặn phá rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng. Chỉ tiêu che phủ rừng Quốc hội giao đạt kế hoạch do mọi cấp, mọi ngành đều phải trồng rừng; xử lý nghiêm mọi trường hợp lợi dụng để phá rừng; dừng một số thuỷ điện khi thấy tình trạng phá rừng. Việt Nam không phải là cánh đồi xơ xác mà phải là cánh rừng bạt ngàn.Mọi việc hiểu hết, biết hết nhưng tham nhũng, tiêu cực nên làm chậm
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) chất vấn: Một bộ phận người dân, doanh nghiệp than phiền về việc chậm giải quyết thủ tục hành chính, thậm chí phải lót tay. Thủ tướng cho biết biện pháp mạnh nào để tiếp tục cải cách hành chính?Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: Vì sao chậm? Có 4 nguyên nhân: Tinh thần trách nhiệm cán bộ và đi liền là hiểu biết của cán bộ; sợ mất chức mất quyền, muốn an toàn nên không giải quyết. Và mọi việc hiểu hết, biết hết nhưng tham nhũng, tiêu cực nên làm chậm. Những nguyên nhân này sẽ được phân tích kỹ hơn trong quá trình giải quyết. Nếu cán bộ nào, nhất là cán bộ ở đơn vị làm thủ tục chậm trễ, nhũng nhiễu thì phải được thay thế ngay không để tình trạng lót tay, chậm trễ trong giải quyết.Chính vì thế thì việc kiểm tra, đôn đốc, triển khai minh bạch, áp dụng trung tâm hành chính công... là hết sức cần thiết.Bằng cấp là cần thiết nhưng không phải là tất cả
ĐB Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng)m chất vấn: Chính phủ có giải pháp đột phá gì để mỗi cán bộ công chức, đặc biệt là chính quyền cơ sở thực hiện đúng, đủ nhiệm vụ, chức trách của mình? Bằng cấp là tiêu chuẩn cứng quy định trong nhiều văn bản để làm tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm. Có thể nói đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chạy theo bằng cấp, cố đi học cho có bằng dù công việc không cần thiết phải có. Xin hỏi Thủ tướng giải pháp căn cơ để cơ quan Nhà nước tuyển dụng được người thực tài và thay đổi quan niệm bằng cấp?Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cần phân cấp giao quyền mạnh mẽ hơn, trách nhiệm cá nhân phải rõ hơn. Giải pháp phải đưa ra nhiều nhưng việc xử lý nghiêm cá nhân đứng đầu kịp thời hơn là rất quan trọng. Tất cả việc đó chúng tôi lắng nghe tiếp thu và phân cấp mạnh mẽ hơn. Về “sính” bằng cấp là thực tiễn của xã hội chúng ta. Vấn đề nhận thức trong hệ thống chung ta là phải người thực việc thực giữa tư duy và hành động là rất cần thiết. Bằng cấp là cần thiết nhưng không phải là tất cả.
Không vì xã hội hoá mà đè gánh nặng lên cho người dân
ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị): Xã hội hoá là chủ trương đúng nhưng đang bị lạm dụng trong nhiều lĩnh vực từ hạ tầng giao thông đến y tế, giáo dục…. Nhiều khoản đóng góp bất hợp lý là gánh nặng cho người dân. Thủ tướng cho biết quan điểm về vấn đề này?
Cho rằng, xã hội hoá là chủ trương đúng nhưng đang bị lạm dụng trong nhiều lĩnh vực từ hạ tầng giao thông đến y tế, giáo dục…. Nhiều khoản đóng góp bất hợp lý là gánh nặng cho người dân, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị): Thủ tướng cho biết quan điểm về vấn đề này?
Trả lời đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chúng ta phải xã hội hoá, dựa vào nguồn lực từ người dân. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân làm cùng chúng ta thì mới thành công. Vừa qua, nhiều nguồn lực được huy động từ dân để phát triển đất nước.
Bày tỏ đồng tình với đại biểu Hà Sỹ Đồng rằng, vẫn còn tình trạng lạm dụng xã hội hoá làm gánh nặng cho người dân, Thủ tướng nêu một loạt bất cập cần phải chấn chỉnh như: Trẻ em phải đóng tiền học phí cao; trẻ em mới sinh cũng phải đóng phí; thu phí BOT chưa phù hợp với sức chịu đựng, ảnh hưởng đến quyền lợi của của người dân… Thủ tướng khẳng định “như thế là hết sức vô lý”.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: Chính phủ phải có một thể chế minh bạch, công khai; huy động trong dân một cách hợp lý hơn; không vì xã hội hoá mà đè gánh nặng lên cho người dân.
Điều chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng theo tinh thần để không thể, không nên tham nhũng
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn Thủ tướng: Nạn tham nhũng vặt làm khó người dân và doanh nghiệp. Cử tri nói đường rộng cũng “ăn”, đường hẹp cũng “ăn”, nhà cao cũng “ăn” mà cắt ngọn cũng “ăn”. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” còn rõ, làm ảnh hưởng đến tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng đã gửi thông điệp. Đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp giải quyết vấn nạn này.Cùng vấn đề tham nhũng, ĐB Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) chất vấn: Chống tham nhũng mới phát hiện ra phần trên, còn phần dưới chưa phát hiện, thực tế phần dưới mới là phần gây bức xúc nhất cho dân. Xin Thủ tướng cho biết giải pháp nào mang tính tổng hợp để chống tham nhũng đang đe dọa chế độ ta hiện nay. Chúc Thủ tướng ngày mùng 1 đầu tháng may mắn.Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Anh Trí và ĐB Thích Thanh Quyết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Đây là vấn đề rất lớn nên phải được kiểm tra, xử lý, tuyên truyền liên tục để nhũng nhiễu, tham nhũng trong hệ thống giảm đi thì mới đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân. Đảng ta coi nhiệm vụ chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng. Thời gian vừa qua chúng ta đã làm được nhiều việc từ xây dựng thể chế, điều tra, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng. Chính phủ đang tiếp thu để điều chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng theo tinh thần để không thể, không nên tham nhũng.Chính phủ sẽ đối thoại với nông dân để tìm “lối đi”, cách làm mới
Trả lời chất vấn của ĐB Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng cho biết, thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương về lĩnh vực này, Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Từ đó đến nay, nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, như xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo… được tổ chức thực hiện mạnh mẽ, kịp thời.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận, dù có nhiều tiến bộ trong triển khai Nghị quyết 26, nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn còn bất cập xảy ra.
Chính vì thế, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Đào tạo nhân lực ở nông thôn. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình mục tiêu khác, xây dựng văn hóa nông thôn, tình làng nghĩa xóm, đảm bảo môi trường sống ở nông thôn.
Thủ tướng cũng chỉ rõ, “chìa khóa” của tái cơ cấu nông nghiệp nằm ở nông dân, từ nhận thức, tư duy đến hành động, hạ tầng. Cần có những giải pháp để cho nông dân phải là chủ thể.
“Sắp tới, Chính phủ phối hợp với Hội Nông dân tổ chức đối thoại với nông dân để tìm ra lối đi, cách làm mới ở nông thôn”, Thủ tướng nói.
Tổ chức sản xuất phải bám sát thị trường
ĐB Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng) cũng chất vấn: Thủ tướng có giải pháp căn cơ gì để khắc phục tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa"?Về “giải cứu” hàng hóa nông sản, theo Thủ tướng, thực tế khó tránh khỏi là dư thừa hàng hóa trong cung cầu hàng hóa ở chỗ này, chỗ khác. Bộ trưởng Bộ NNPTNN đã chỉ đạo các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, trước mắt là hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy hoạch sản phẩm của từng vùng.Chính phủ tiếp tục có các chính sách tổ chức sản xuất, khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, giảm trung gian, bám sát thị trường.
Đặc biệt, cần tổ chức khâu sản xuất phải gắn với tiêu thụ, phân phối sản phẩm. Đồng thời tổ chức xúc tiến thương mại để thúc đẩy thị trường. Ngành nông nghiệp, ngành công thương phối hợp để tìm đầu ra cho nông dân. Đặc biệt, nông dân bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước thì tiếp tục xây dựng thương hiệu quốc gia trong nông sản ở nông thôn.
Đi liền với đó là bảo đảm an toàn thực phẩm - đây là vấn đề xã hội rất quan tâm. “Nếu làm tốt vấn đề này, kết hợp tốt giữa người dân với doanh nghiệp, có định hướng có thông tin thì việc giải cứu sản phẩm nông nghiệp sẽ hạn chế bớt”, Thủ tướng nói.
Nhà nước sẽ cố gắng tối đa để chỉnh lý, khi cần thiết lắm mới thực hiện việc “giải cứu”. Chúng ta thực hiện nhiệm vụ kinh tế thị trường thì phải gắn với thị trường một cách quyết liệt hơn.
Cuối phiên chất vấn chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, sau 3 ngày làm việc tích cực và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV.
Quốc hội đã chất vấn các nội dung thuộc 4 lĩnh vực: Tài chính, ngân hàng, Thông tin truyền thông, toà án. Bộ trưởng Tài Chính, Thống đốc Ngân hàng, Bộ trưởng Bộ TT-TT, Chánh án TANDTC trực tiếp trả lời câu hỏi của các đại biểu. Các Phó Thủ tướng: Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam; Viện trưởng VKSNDTC, Bộ trưởng Bộ Công an tham gia báo cáo làm rõ thêm vấn đề đại biểu quan tâm.
Thủ tướng thay mặt Chính phủ báo cáo một số vấn đề và trực tiếp trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội.
Các nhóm vấn đề được lựa chọn là vấn đề bức xúc được đông đảo cử tri và dư luận quan tâm. Nhìn chung, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi và xây dựng. Nhiều lượt đại biểu đặt câu hỏi và tranh luận. Mặc dù dành tới 3 ngày cho hoạt động giám sát này nhưng còn nhiều đại biểu chưa được đặt câu hỏi do thời lượng có hạn.
Các đại biểu thể hiện sự tâm huyết, tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, bám sát nội dung, tham gia tranh luận không chỉ với các thành viên Chính phủ và Chánh án mà còn tranh luận giữa các đại biểu để làm rõ vấn đề.
Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, nghiêm túc trả lời đầy đủ, giải trình rõ, thẳng thắn và làm rõ trách nhiệm trong phạm vi phụ trách; đồng thời cam kết khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả, tăng cường kỷ luật kỷ cương và quyết tâm tạo chuyển biến tích cực. Tuy vậy, có vấn đề liên quan tới nhiều Bộ, ngành hay kiến nghị liên quan đến điều chỉnh chính sách pháp luật nên cần thời gian nghiên cứu đưa ra giải pháp căn cơ, dài hạn.
Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị của các thành viên Chính phủ, Chánh án TANDTC, chỉ đạo điều hành khắc phục hạn chế yếu kém, tháo gỡ khó khăn để ổn định phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống nhân dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, còn nhiều tồn tại, một số nội dung dù đã giám sát nhưng chuyển biến chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, nguyên vọng của người dân. Do đó, cần quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá hơn để tạo chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Nhiều yêu cầu của các đại biểu đặt ra với Chính phủ và các bộ ngành và ngành Tư pháp, UBTVQH sẽ chuẩn bị Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp để làm cơ sở giám sát triển khai thực hiện. Đề nghị Chính phủ và các bộ ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến, thực hiện giải pháp hiệu quả, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục tồn tại, hạn chế và báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã thành công tốt đẹp!