Tốc độ chi tăng cao hơn thu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/3, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 46 và cho ý kiến về các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH)...

Ngày 7/3, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 46 và  cho ý kiến về các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015; kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2011 - 2015; kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2016 - 2020.

Bài toán đầu tư công

Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 là vấn đề nhận được sự quan tâm của các thành viên UBTV Quốc hội. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn này là 1,846 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN do các bộ, ngành và địa phương đề xuất khoảng 4 triệu tỷ đồng, gấp 20,5 lần kế hoạch năm 2015, gấp 2,1 lần khả năng cân đối vốn 5 năm giai đoạn 2016 - 2020.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên họp.
Đây là lần đầu tiên có thể tổng hợp được bức tranh toàn cảnh về đầu tư công và cân đối vốn NSNN trong 5 năm. Nhưng sau khi chỉ rõ tổng mức ngân sách T.Ư trung hạn 5 năm 2016 - 2020 (vốn trong nước) chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu đầu tư của cả nước; số vốn ứng trước chưa bố trí được nguồn thanh toán còn khá lớn so với khả năng cân đối vốn NSNN trong 5 năm tới, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng: “Với tình hình kinh tế vĩ mô ổn định như hiện nay và khả năng cân đối nợ công, Chính phủ trình Quốc hội cho phép phát hành 200.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020 để bổ sung cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH”. Ông Vinh cũng nhìn nhận, đối với các dự án (DA) của một số bộ, ngành T.Ư, địa phương có số nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB), số vốn ứng trước nguồn ngân sách T.Ư lớn, nếu trong kế hoạch trung hạn bố trí để thanh toán hết số nợ và số ứng trước thì sẽ không còn nguồn để đối ứng các chương trình, DA ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, bố trí vốn cho các DA chuyển tiếp và thực hiện các mục tiêu khác, thậm chí sẽ không còn nguồn để khởi công mới. Mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đẩy mạnh thu hút và huy động các nguồn của khu vực DN và tư nhân để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng; ưu tiên đẩy mạnh đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên, thực tế số DA đầu tư theo hình thức PPP ở các bộ, ngành T.Ư và địa phương đề xuất trong giai đoạn này còn rất ít.
Giải trình về việc thiếu tiền chi cho đầu tư phát triển, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, bội chi NSNN vẫn ở mức cao là do tăng chi đầu tư, vì vậy cho nên cần lấy tiền bán cổ phần hóa DN Nhà nước để chi cho đầu tư phát triển. Vốn Nhà nước tại các DN là trên 1 triệu 300 nghìn tỷ đồng nhưng đến nay mới thoái vốn được trên 5%, vì vậy tới đây cổ phần hóa phải làm mạnh hơn nữa.

Vì vậy, cùng với đó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công; tạo ra chuyển biến căn bản trong việc xây dựng kế hoạch và phân bổ vốn, bảo đảm bố trí vốn tập trung, khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải và giải quyết cơ bản các DA dở dang đã tồn tại trong nhiều năm qua.

Trong khi đó, trong Báo cáo về Kế hoạch tài chính 2016 - 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, chỉ tiêu nợ Chính phủ vượt giới hạn cho phép (50% GDP), chủ yếu một mặt là do GDP thực tế theo giá hiện hành năm 2015 giảm mạnh. “Nếu duy trì tỷ lệ bội chi NSNN và hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ theo phương án hiện hành sẽ dẫn đến việc chỉ tiêu nợ công trên GDP vượt trần trong các năm 2016 - 2017” - Bộ trưởng nhận định.

Lo nợ công

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định, có nhiều dấu hiệu khó khăn trong vấn đề nợ công cần được Chính phủ phân tích và làm rõ để có biện pháp tăng cường quản lý. Với thực trạng tốc độ tăng chi cao hơn tốc độ tăng thu, dẫn đến bội chi NSNN vẫn ở mức cao, cân đối NSNN ngày càng khó khăn là tất yếu. “Bây giờ cần xem Quốc hội có quyết nâng mức trần nợ công của Chính phủ từ 50 lên 55% hay không, bởi trước đây Quốc hội quyết là 50% nhưng bây giờ đã là 50,3% rồi, tức là vượt 0,03%. Bây giờ phải xem mức tăng trưởng đặt ra liệu có đạt vào năm 2020 hay không? Nếu trong điều hành GDP không đạt thì Chính phủ phải hạ khả năng chi tiêu. Theo Nghị quyết của Đại hội Đảng XII, đến năm 2020, bội chi là 4%. Đã giảm bội chi thì phải tăng thu lên. Phải điều chỉnh bằng chính sách thuế thì mới cân đối được và giữ được bội chi. Nếu không tính toán kỹ thì chúng ta sẽ khó khăn nếu tốc độ tăng trưởng không đạt được 6,5 - 7%” - ông Hiển phân tích. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: “Nếu không điều chỉnh 8 chính sách thuế thì số thu sẽ giảm 450.000 tỷ đồng. Vừa qua, giá dầu giảm cho nên thu nội địa tăng gấp 2 nhưng vẫn phải bù, bây giờ không thể tăng thu được nữa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, bội chi phải giữ đến năm 2020 là khoảng 4%. “Làm sao nợ nần trong 5 năm tới phải tốt đẹp hơn chứ, năm vừa qua thấy rất căng thẳng, một vài năm tới thấy khả năng trả nợ rất là khó khăn. Tài chính thế này thì đầu tư công chia tiền kiểu gì? Nguồn thu tính giá dầu là 40 USD, vậy tổng nguồn thu, chi 5 năm tới tính như thế nào mà bây giờ đã tính đầu tư công. Phân bổ dễ hơn kiếm tiền, quan trọng có tiền mà phân bổ không? Các Bộ trưởng phải rõ thì Thường vụ mới “gật gù” được” - Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ hơn về việc trong kế hoạch tài chính 5 năm tới đã bao gồm các khoản ngân sách để tăng lương hay chưa? Theo Chủ tịch Quốc hội, việc phân bổ nguồn vốn cần phải căn cứ trên nguồn vốn có thể cân đối được, do đó các con số nói trên phải được chuẩn bị thật kỹ trước khi trình ra Quốc hội.
Tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008
Báo cáo bổ sung kết quả phát triển KT-XH năm 2015, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết: Năm 2015, tăng trưởng GDP cả năm đạt khoảng 6,68%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, cao hơn số đã báo cáo Quốc hội (khoảng 6,5%) và cao hơn mục tiêu đề ra là 6,2%. Trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội thông qua, có 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Đề cập đến kế hoạch phát triển KT-XH trong 5 năm tới (2016 - 2020), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân sẽ đạt 6,5 - 7%/năm, đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP...