Tốc độ đô thị hóa giảm
Theo báo cáo kết quả điều tra dân số, đến thời điểm 1/4/2019 dân số Việt Nam ở mức trên 96,2 triệu người, là quốc gia đông dân thứ 15 thế giới. Cũng xuất phát từ việc gia tăng dân số, trong khoảng 10 năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp ở hầu hết các địa phương trong cả nước, với mức tăng trưởng bình quân 1%/năm, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đứng đầu về tốc độ đô thị hóa (trên 3%/năm).
Năm 2018, tốc độ đô thị hóa trên cả nước đạt 38%, mục tiêu trong năm 2019 là 38,4 – 39% và năm 2020 là 40%. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các đô thị Việt Nam tại Hội nghị thường niên năm 2019 “Kinh nghiệm quản lý đô thị và đất đai” diễn ra tại TP Vũng Tàu vào trung tuần tháng 11 vừa qua, thì tốc độ đô thị hóa năm 2019 chỉ đạt 34,4% thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, năm 2018 tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã có tác động tích cực đến thị trường BĐS và vật liệu xây dựng. Theo đó, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 24 m2 sàn/người, tăng 0,6 m2 sàn/người so với năm 2017; tổng sản lượng xi măng tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn, tăng 17% so với năm 2017, đạt 113 % kế hoạch năm.
Các chỉ tiêu về quy hoạch, phát triển đô thị ở mức cao: Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 78% (tăng 1% so với năm 2017), quy hoạch chi tiết đạt khoảng 39% (tăng 2% so với năm 2017), quy hoạch xây dựng nông thôn đạt 100% (tăng 0,6% so với năm 2017)…
KTS Nguyễn Văn Thanh – Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, các đô thị đang giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó kinh tế đô thị chiếm 70 – 80% tổng quy nền kinh tế.
“Thị trường BĐS, chuyển dịch đất đai và tăng trưởng kinh tế có tác động mạnh đến tốc độ đô thị hóa, tổng hợp tất cả các yếu tố này lại thì nó là những nhân tố để cấu thành nên nền kinh tế bền vững. Nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, khi thị trường BĐS suy giảm, ngay lập tức chúng ta có thể thấy tốc độ đô thị hóa cũng giảm theo” – KTS Nguyễn Văn Thanh nhìn nhận.
Tác động từ thị trường BĐS
Cũng theo KTS Nguyễn Văn Thanh, quá trình đô thị hóa có tác động tích cực đến thị trường BĐS, trước hết là làm gia tăng giá trị của các sản phẩm. BĐS gắn liền với quy hoạch đô thị, quy hoạch đô thị đến đâu sẽ kéo theo hàng loạt các dự án BĐS mọc lên ở nơi đó.
Ngoài ra, quy hoạch đô thị cũng tạo định hướng đầu tư cho các doanh nghiệp và nhà phát triển BĐS, giúp cho thị trường phát triển tích cực, các sản phẩm được đa dạng, đáp ứng tốt hơn với nhu cầu và thị hiếu của người dân. Ngược lại, sự phát triển của lĩnh vực BĐS, Xây dựng, chuyển dịch sử dụng đất… tỷ lệ thuận với tốc độ đô thị hóa.
Báo cáo thống kê của Hiệp hội BĐS Việt Nam, từ đầu năm 2019 thị trường BĐS đã giảm sút mạnh cả về nguồn cung mới và tỷ lệ giao dịch. Theo đó, sự giảm sút của thị trường BĐS không chỉ tác động đến tốc độ đô thị hóa và còn ảnh hưởng nhiều nền nhiều ngành nghề khác, trong đó bị ảnh hưởng nhiều nhất đó là ngành xây dựng và vật liệu xây dựng.
Theo số liệu của Tổng thống kê, trong giai đoạn 2010 – 2018, đóng góp của giá trị gia tăng ngành BĐS vào tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế là 0,6 điểm phần trăm (%), trong khi đó đóng góp của ngành xây dựng là 0,9 điểm phần trăm.
“Quá trình đô thị hóa không thể thiếu đi hai lĩnh vực quan trong là BĐS và xây dựng, khi một trong hai lĩnh vực này bị suy giảm thì cũng sẽ dẫn đến sự suy giảm của tốc độ đô thị hóa” – KTS Nguyễn Văn Thanh cho biết thêm.
Cùng quan điểm, Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) Vũ Đức Khuê cho biết, quá trình đô thị hóa đã thu hút nguồn vốn lớn của nhà đầu tư vào lĩnh vực BĐS, khi BĐS có vốn thì nó trở thành công cụ cho ngành xây dựng. Vì vậy tăng trưởng GDP có liên quan chặt chẽ đến đô thị hóa, BĐS, chuyển dịch đất đai và xây dựng.
“Chúng ta đã chứng kiến giai đoạn 2009 – 2013 khi thị trường BĐS bị đóng băng đã làm cho nền kinh tế bị suy giảm, lạm phát gia tăng. Vì vậy, Nhà nước cần nới lỏng những chính sách hiện tại hoặc sớm đưa ra những giải pháp mới để cho thị trường BĐS bình ổn trở lại, tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế” – ông Khuê cho hay.