Huyện Thạch Thất:

Tồn tại nhiều bất cập trong đầu tư, quản lý nhà văn hóa

Vũ Khoa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 3/6, HĐND huyện Thạch Thất tổ chức phiên họp giải trình về đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố trên địa bàn. Các đại biểu đã nêu ra không ít bất cập có nguyên nhân từ công tác quản lý của địa phương.

Quang cảnh Phiên họp giải trình về đầu tư, khai thác và sử dụng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Thạch Thất
Quang cảnh Phiên họp giải trình về đầu tư, khai thác và sử dụng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện Thạch Thất

Nhiều thôn chưa có nhà văn hóa

Tại phiên giải trình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất cho biết, trong thời gian qua, địa phương đã tăng cường sử dụng các nguồn ngân sách TP kết hợp với xã hội hóa để phát triển nhà văn hóa trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập khi có nơi còn thiếu, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động văn hóa, văn nghệ của người dân, nhất là sau khi sáp nhập và cần sớm có giải pháp để giải quyết.

Do đó, Thường trực HĐND huyện Thạch Thất mong muốn thông qua phiên giải trình sẽ làm rõ hơn thực trạng, tồn tại thực tế. Để từ đó, tìm ra giải pháp đồng bộ, phương án giải quyết có hiệu quả trong công tác đầu tư trong thời gian tới. 

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất phát biểu tại phiên giải trình.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất phát biểu tại phiên giải trình.

Liên quan đến nội dung phiên họp giải trình, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc thông tin, thực hiện các chỉ đạo về xây dựng văn hóa, UBND huyện đã ban hành kế hoạch phát triển văn hóa, thể thao trên địa bàn; Ban hành nhiều nghị quyết để triển khai các cơ sở văn hóa, thể thao, đề xuất TP hỗ trợ kinh phí phát triển trung tâm văn hóa, thể thao.

Xây dựng nội quy, quy chế phát triển trung tâm văn hóa thể thao trên các địa bàn. Bám sát quy định của Thủ tướng về xây dựng quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa thể thao, gắn với phát triển văn hóa địa phương, có xây dựng quỹ đất để xây dựng nhà văn hóa thôn.

Xây dựng nhà văn hóa là tiêu chí cần thiết và yêu cầu bắt buộc để phục vụ đời sống văn hóa của Nhân dân. Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn huyện Thạch Thất còn tới 11 thôn chưa có nhà văn hóa. Nhiều nhà văn hóa chưa đầy đủ về diện tích, cơ sở vật chất. Mặt khác, việc triển khai các dự án nhà văn hóa còn vướng nhiều bất cập.

Đất làm nhà văn hóa bị lấn chiếm

Đại biểu Khuất Thị Quyên nêu vấn đề và đặt câu hỏi việc các thôn, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa đến nay đã được quy hoạch, triển khai hay chưa? Giải pháp xử lý đối với các nhà văn hóa có diện tích nhỏ hẹp, sập xệ?

Đại biểu Nguyễn An Quân đề nghị làm rõ nội dung trong số các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đã có quy hoạch thì có bao nhiêu nhà văn hóa nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 như thế nào?

Đại biểu Khuất Thị Quyên chất vấn nội dung liên quan đến giải pháp xử lý những bất cập.
Đại biểu Khuất Thị Quyên chất vấn nội dung liên quan đến giải pháp xử lý những bất cập.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Trưởng Phòng VH - TT Thạch Thất  Nguyễn Trường Giang cho biết, hiện nay, ở nhiều xã vẫn không có nhà văn hóa. “Xây dựng nhà văn hóa là các yêu cầu bắt buộc trong quá trình xây dựng nông thôn mới, quá trình thực hiện đã xây dựng các kế hoạch để thực hiện công việc này. Về mặt quy hoạch, các xã, thị trấn đã xây dựng đầy đủ kế hoạch xây dựng nhà văn hóa” - Trưởng Phòng VH - TT huyện Thạch Thất nói.

Vấn đề về xây dựng nhà văn hóa trên địa bàn huyện hiện bị ảnh hưởng rất nhiều từ công tác quản lý của các cấp chính quyền, phòng, ban chuyên ngành dẫn đến nhiều bất cập.

Trưởng Phòng Quản lý đô thị Nguyễn Tuấn Trung cho biết, như xã Canh Nậu có quy hoạch 2 nhà văn hóa đều trên đất công, được xã quản lý, tuy nhiên, không triển khai được do đất dự án bị lấn chiếm.

Hay có những dự án tại xã Hữu Bằng đã được phê duyện từ năm 2014 nhưng trong quá trình triển khai đều chưa triển khai được, do chồng chéo vào đất ở, đất vườn của người dân, trong khi các đơn vị có trách nhiệm GPMB không xử lý được.

Mặt khác, có dự án thuận lợi nhưng vẫn không được triển khai như tại xã Yên Bình. Một số đại biểu cho rằng hiện nay, các nhà văn hóa chưa được đưa vào phục vụ Nhân dân, rất ít khi được sử dụng gây lãng phí.

Trong phiên giải trình, các vấn đề liên quan đến tài chính, kế hoạch trong quản lý, khai thác và sử dụng nhà văn hóa cũng được nhiều đại biểu đưa ra để thành viên UBND huyện Thạch Thất có giải trình, cũng như phương hướng xử lý trong thời gian tới.

Các thành viên UBND huyện giải trình ý kiến của đại biểu
Các thành viên UBND huyện giải trình ý kiến của đại biểu

Về giải pháp, trong thời gian tới, UBND huyện Thạch Thất sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá mô hình hệ thống, thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. Tăng cường đầu tư bằng nhiều nguồn lực để nâng cao năng lực các nhà văn hóa trong việc đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và tập luyện của người dân.

Mặt khác, bố trí quỹ đất có vị trí thuận lợi để xây dựng hệ thống công trình phù hợp với quy mô, tiêu chí của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và theo quy hoạch phát triển văn hóa, thể dục thể thao chung của TP. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa trong nâng cao cơ sở vật chất, xây dựng các nhà văn hóa nhằm đẩy mạnh phong trào văn hóa, thể dục thể thao của người dân địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần