Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xử lý các vụ án tham nhũng phải để “tâm phục, khẩu phục”

Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một số ĐB Quốc hội đoàn Hà Nội đã tiếp xúc cử tri tại 2 quận (Hoàn Kiếm và Ba Đình), trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tham gia buổi tiếp xúc cử tri có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.

Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri

Cử tri ủng hộ việc giới thiệu Tổng Bí thư để bầu Chủ tịch nước
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đều bày tỏ phấn khởi, đồng thuận trước thành công của Hội nghị T.Ư 8 (khóa XII) và việc Ban Chấp hành T.Ư thống nhất rất cao khi giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sắp tới. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề “nóng” trong xã hội cũng được cử tri nêu ý kiến như: Tình trạng tham nhũng; xây dựng biệt thự sai phép; vấn đề sữa học đường; bất cập trong in sách giáo khoa; xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc...
Cử tri Lê Đức Hạnh (phường Kim Mã) cho biết, người dân tuyệt đối tin tưởng, đồng tình ủng hộ và mong Tổng Bí thư tiếp nhận trọng trách cao cả này để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng và Nhân dân được lâu hơn, nhiều hơn. Đồng thời, cử tri cũng bày tỏ sự tin tưởng và ủng hộ công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí mà Đảng ta đang thực hiện. Tuy nhiên, cử tri mong muốn thời gian tới Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn để đem lại nhiều kết quả trong công cuộc phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Trong khi đó, cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc) cho biết, sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đến nay, thêm nhiều vụ án lớn được đưa ra như: Vụ Mobifone mua AVG, vụ Vũ “nhôm”, vụ đánh bạc công nghệ cao. Tuy nhiên, người dân cũng muốn biết thêm nhiều vụ việc lớn khác như: Thực hư việc nạo vét sông Sào Khê dự toán 72 tỷ nhưng đội vốn lên hàng nghìn tỷ đồng; vụ việc đất đai ở Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh); vụ hàng chục biệt thự xây trái phép ở huyện Ba Vì... Đồng thời, cử tri mong muốn Đảng, Nhà nước cần có chế tài nghiêm minh trong xử lý sai phạm và phải chặt chẽ, công khai khi đưa cán bộ vào vị trí lãnh đạo.
Lãnh đạo cấp cao phải có trách nhiệm nêu gương
Tiếp thu các ý kiến kiến nghị của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết của cử tri. Theo Tổng Bí thư, các kiến nghị của cử tri nêu rất phong phú, trách nhiệm và xây dựng. Đây là những ý kiến quan trọng nên các đại biểu trân trọng tiếp thu để phản ánh lại tới Quốc hội.
Làm rõ thêm các nội dung được cử tri quan tâm về nội dung phòng chống tham nhũng, lãng phí, Tổng Bí thư cho biết, dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã được thảo luận rất kỹ qua 2 kỳ họp và đến kỳ họp tới đây hy vọng sẽ được thông qua. Đối với việc cử tri cho rằng việc xử lý các vụ án tham nhũng còn chậm, Tổng Bí thư cho hay, về kê khai tài sản, công khai, kiểm soát tài sản là vấn đề khó vì nó thiên biến vạn hóa, nhiều biến tướng và phải kê khai thế nào rất khó kiểm soát. Cái khó nữa là liên quan đến các luật khác về quyền cá nhân, quyền công dân về bí mật tài sản nên không phải cái gì cũng công bố được.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, Ba Đình

“Việc xử lý các vụ án tham nhũng có chậm không? thực tế vừa qua việc xử lý các vụ án tham nhũng đã khắc phục rất nhiều. 5 năm nay, đưa vụ nào ra làm đều đến nơi đến chốn và công khai. Các bác cũng thông cảm là quy trình xem xét rất phức tạp vì phải qua các bước, đưa ra phải có chứng cứ, có sức thuyết phục. Xử thế nào phải cho mọi người “tâm phục khẩu phục”, phải nghiêm khắc nhưng cũng nhân văn. Ta xử không phải cốt thật nặng mới là nghiêm phải mà xử để răn đe, ngăn ngừa, để không xảy ra nữa mới là tốt; chống cũng là để xây, mục đích của ta là xây cho tốt để đỡ phải chống” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Dẫn chứng việc tại Hội nghị T.Ư 8 đã xử lý kỷ luật ông Trần Văn Minh và Nguyễn Bắc Son, Tổng Bí thư cho biết đây mới chỉ là xử lý về mặt Đảng, còn xử lý về mặt hành chính vẫn phải làm tương ứng, đồng bộ với kỷ luật về Đảng và nếu đến mức phải xem xét hình sự thì lại đưa ra xử lý hình sự.
Đề cập đến quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đảng viên, Tổng Bí thư nhấn mạnh, nêu gương thì tất cả cán bộ đảng viên đều phải làm nhưng trước hết là những lãnh đạo cao nhất phải có trách nhiệm nêu gương. Đây cũng là lý do mà Ban Chấp hành T.Ư phải ban hành Quy định. Theo Tổng Bí thư, trong quá trình thảo luận, T.Ư đã rất thận trọng, cân nhắc từng câu chữ tránh để các thế lực thù địch xuyên tạc.
Riêng với vấn đề cử tri quan tâm về việc T.Ư nhất trí giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn cử tri đã đồng tình và cho biết việc này đã được Bộ Chính trị, T.Ư đã thảo luận nhiều phương án với quá trình thảo luận rất dân chủ, trách nhiệm. Cũng theo Tổng Bí thư, chúng ta không nên nói Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước vì đây là 2 cơ chế và 2 cơ quan khác nhau. Nếu nói “kiêm” thì không chuẩn vì vai nào chính, vai nào phụ và cũng không nên nói đây là nhất thể hóa.
“Tất cả Ủy viên T.Ư đồng ý và bước đầu dư luận trong nước, quốc tế cũng đồng tình, ủng hộ. Cá nhân tôi xin trân trọng cảm ơn, còn kết quả tuỳ thuộc vào Quốc hội bầu” - Tổng Bí thư cho biết thêm.