Đài RT đưa tin Tổng thống Vladimir Putin ngày 29/1 cho biết, Belarus đã gia nhập câu lạc bộ các quốc gia hạt nhân sau khi vận hành thành công nhà máy điện hạt nhân Rosatom do tập đoàn năng lượng nguyên tử của Nga xây dựng. "Đây là một bước tiến lớn" - ông Putin nói khi bình luận về thành tựu mới của Belarus.
Vào tháng 11/2023, Bộ Năng lượng Belarus đã chính thức "bật đèn xanh" cho hoạt động thương mại của tổ máy điện thứ hai tại nhà máy điện hạt nhân Rosatom. Với tổng công suất phát điện 2.400 megawatt, nhà máy này dự kiến sẽ đáp ứng tới 40% nhu cầu năng lượng của Belarus.
Người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh rằng việc xây dựng nhà máy điện đã tạo ra "ngành công nghiệp hoàn toàn mới" ở nước láng giềng. “Trên thực tế, Belarus đã trở thành một cường quốc hạt nhân” - Tổng thống Nga cho hay.
Nằm không xa thành phố Ostrovets ở phía Tây Bắc Belarus, nhà máy điện hạt nhân Rosatom, được xây dựng từ năm 2013 bởi Atomstroyexport - công ty con của Rosatom, và hoàn thành vào năm 2023.
Theo tờ RIA Novosti, đây là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên bên ngoài nước Nga sử dụng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3+ hiện đại nhất của Rosatom.
Trong năm 2023, Nga cũng đã triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus sau khi nhận được yêu cầu từ chính quyền Minsk. Lãnh đạo Belarus viện dẫn mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân Mỹ trên lãnh thổ một số đồng minh của Washington ở châu Âu.
Về phần mình, Nga cũng ra tín hiệu sẵn sàng sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào có sẵn để bảo vệ Belarus nếu quốc gia láng giềng bị tấn công.
Hợp tác quân sự giữa Moscow và Minsk tiếp tục được đẩy mạnh trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 29/1, Tổng thống Putin tuyên bố, Nga và Belarus thống nhất về cách giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực cũng như hỗ trợ lẫn nhau trong bối cảnh hai nước đang chịu áp lực từ các nước phương Tây.
Trước đó, hồi tháng 3 năm ngoái, Tổng thống Putin tuyên bố quyết định triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus để trả đũa việc Anh cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine.
Vào tháng 7/2023, Moscow cho biết có thể xem xét rút vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus nếu Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đảo ngược đường lối chính trị hiện tại và loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của Washington khỏi châu Âu.