Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng thống Volodymyr Zelensky: Ukraine cần được bảo vệ tương tự Israel

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các quốc gia phương Tây tham gia sâu hơn vào cuộc xung đột giữa nước này với Nga, đồng thời bảo vệ Kiev tương tự như cách Israel được hỗ trợ sau cuộc không kích của Iran cuối tuần qua.

Ông Zelensky đã đưa ra lời kêu gọi trong một bài đăng trên Telegram hôm 15/4, dành nhiều lời ca ngợi về “hành động của đồng minh” giúp đỡ Israel. Theo tuyên bố của Israel và phương Tây, phần lớn các tên lửa do Iran phóng ra đã bị bắn hạ trước khi tới không phận nước này, chủ yếu là do máy bay phản lực của Mỹ và Anh. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters

“Điều đó chứng tỏ vai trò của tình đoàn kết trong việc chống lại khủng bố khi dựa trên ý chí chính trị đầy đủ. Israel, Mỹ, Anh, Pháp và Jordan đã hành động cùng nhau và đạt hiệu quả tối đa,” ông Zelensky khẳng định.

Tổng thống Ukraine cũng khẳng định “không bên nào bị lôi kéo vào cuộc chiến” do hành động chống lại Iran, đồng thời lưu ý rằng “Israel không phải là thành viên NATO, vì vậy không cần có hành động nào, chẳng hạn như kích hoạt Điều 5”.

Ông Zelensky kêu gọi các quốc gia phương Tây cung cấp cho Ukraine mức độ hỗ trợ tương tự và bảo vệ nước này khỏi các cuộc tấn công tầm xa của Nga. “Bầu trời châu Âu lẽ ra đã bình yên từ lâu nếu Ukraine nhận được sự hỗ trợ đầy đủ tương tự từ các đối tác trong việc đánh chặn máy bay không người lái và tên lửa,” Tổng thống Ukraine so sánh. 

Trong suốt cuộc xung đột, Kiev đã nhiều lần kêu gọi các quốc gia phương Tây cung cấp sự bảo vệ trước các cuộc không kích của Nga thông qua nhiều phương thức, cho đến việc thiết lập vùng cấm bay do NATO thực thi trên lãnh thổ Ukraine.

Tuy nhiên, theo RT, những ý tưởng này chưa bao giờ thành hiện thực vì lo ngại rằng những động thái như vậy sẽ kéo phương Tây vào một cuộc chiến tổng lực với Nga. Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng sẽ coi những nỗ lực tương tự là cánh cửa can dự trực tiếp vào cuộc xung đột từ phía Kiev.

Trong diễn biến liên quan, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson hôm 15/4 đã cam kết thúc đẩy dự luật viện trợ Ukraine bị đình trệ mà Tổng thống Joe Biden đang thúc giục. Dự luật đề xuất gặp bế tắc tại Quốc hội trong nhiều tháng do tranh cãi gay gắt giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.

Theo các báo cáo, ông Johnson khẳng định với các thành viên Đảng Cộng hòa tại một cuộc họp kín về dự định cho phép Hạ viện bỏ phiếu dự luật độc lập trong tuần này nhằm đảm bảo viện trợ quân sự bổ sung cho Kiev. 

“Chúng tôi biết thế giới đang theo dõi theo phản ứng của chúng tôi,” ông Johnson chia sẻ với báo giới sau cuộc họp với các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa, theo New York Times. Ông nói thêm rằng các nhà lãnh đạo của Nga, Trung Quốc và Iran đang quan sát về khả năng Mỹ đứng lên bảo vệ các đồng minh và lợi ích trên toàn cầu. "Chúng tôi sẽ làm như vậy”.

Đảng Cộng hòa tại Hạ viện trước đây từng từ chối ủng hộ dự luật viện trợ nước ngoài mà ông Biden công bố vào tháng 10, trong đó bao gồm khoản hỗ trợ trị giá 61 tỷ USD dành cho Ukraine.

Dự luật bị đình trệ nhiều tháng qua trong bối cảnh Đảng Cộng hòa đang gây áp lực lên Nhà Trắng về việc trấn áp dòng người di cư bất hợp pháp qua biên giới với Mexico. Theo đó, cựu Tổng thống Donald Trump - đối thủ của ông Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng cũng lập luận chống lại viện trợ cho Ukraine - một động lực cho Đảng Cộng hòa. 

Sự chậm trễ trong việc phê duyệt thêm vũ khí cho Ukraine đã gây lo lắng cho Tổng thống Zelensky và các quan chức khác ở Kiev. Phía Ukraine cho rằng tổn thất ngày trên chiến trường là do tình trạng thiếu đạn dược và viện trợ phòng không từ quốc tế. Tuần trước, ông Zelensky cảnh báo Ukraine sẽ thua nếu Quốc hội Mỹ không quyết đoán. 

Trong khi đó, Nga đã nhiều lần tuyên bố, không sự trợ giúp nào từ quốc tế có thể thay đổi tiến trình của cuộc xung đột và cáo buộc phương Tây gây leo thang căng thẳng.