KTĐT - Insight nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giậm chân trong khoảng 2-2,5% phần lớn thời gian của năm 2010.
Insight nhận định tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2010 có thể đạt 2,8%, giá cả hàng hóa tiếp tục giảm và lạm phát không hẳn là vấn đề lớn.
Dưới đây là Top 10 dự báo kinh tế 2010 (Top 10 Economic Predictions for 2010) do chuyên gia kinh tế trưởng IHS Global Insight, ông Nariman Behravesh cùng các cộng sự đưa ra, dựa trên mô hình kinh tế học độc quyền đã nghiên cứu, phát triển hơn 45 năm qua.
1. Quá trình phục hồi kinh tế Mỹ sẽ khởi động chậm chạp
Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giậm chân trong khoảng 2-2,5% phần lớn thời gian của năm 2010. Thị trường nhà đất và việc đầu tư mua sắm máy móc thiết bị có phần khả quan hơn, song chi tiêu của người tiêu dùng vẫn khá dè dặt dự báo chỉ tăng 1,8% và GDP khó có cơ hội tăng trưởng với tốc độ lớn hơn. Một trong những cản trở lớn nhất với việc chi tiêu của các hộ gia đình là tỷ lệ thất nghiệp, dự báo có thể lên tới 10,5% ngay trong quý I.
2. Châu Âu và Nhật Bản sẽ phục hồi chậm hơn Mỹ
Suy thoái tại châu Âu và Nhật nặng nề hơn nhiều so với Mỹ và hiện có rất ít nhân tố giúp các nền kinh tế này phục hồi. Dự báo khu vực đồng tiền chung châu Âu và Anh sẽ tăng trưởng lần lượt 0,9 và 0,8% trong năm 2010. Một vài nước phía Tây như Iceland, Ireland, hay Tây Ban Nha thậm chí còn tăng trưởng âm do hệ quả tồi tệ của bong bóng nhà đất và cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.
Tình hình tại Nhật Bản có phần khả quan hơn một chút so với EU, tốc độ tăng GDP có thể đạt 1,4%.
3. Các thị trường mới nổi tiến nhanh hơn
Tất cả các khu vực mới nổi (ngoại trừ ở châu Âu) sẽ phục hồi trong 2010 với tốc độ lớn hơn Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Tốc độ tăng trưởng chung của châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) có thể đạt 7,1%. Châu Mỹ Latin, Trung Đông và châu Phi có thể tăng trưởng trong khoảng 3-4%. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu may ra chỉ tăng trưởng 1,7%.
4. G-8 sẽ duy trì lãi suất ở mức rất thấp
Ngân hàng trung ương của một số nước như Australia, Israel hay Na Uy đã tăng lãi suất. Nhưng nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng Trung ương Anh, Nhật Bản sẽ không tăng lãi suất trước quý I. Tuy nhiên, một số nước ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ có thể tăng lãi suất sớm hơn, ngay quý I hoặc đầu quý II.
5. Giảm bớt liều lượng kích thích kinh tế
Các gói kích thích khổng lồ đặc biệt là của Mỹ và Trung Quốc đã giúp ngăn nguy cơ sụp đổ hệ thống tài chính thế giới. Nhưng khi khủng hoảng qua đi, phần lớn các quốc gia đều không đề cập tới các gói kích thích mới, thậm chí vài nơi còn thắt chặt hơn (chẳng hạn Anh còn tăng thuế giá trị gia tăng kể từ tháng một). Ngay như ở Mỹ, người ta đang bàn bạc nhiều về gói kích thích kinh tế thứ hai, song thực tế chưa có một đồng nào được đưa ra thêm cho dù tình trạng thất nghiệp vẫn gia tăng.
6. Giá hàng hóa vẫn trong xu hướng giảm
Đà phục hồi gần đây chưa đủ để cân bằng giá cả so với thời trước suy thoái. Thực ra, một vài đợt tăng giá vừa qua có thể do tác động của giới đầu tư, hơn là xuất phát từ thực tế cung cầu. Nhiều khả năng trong một vài tháng tới, giá dầu và một số hàng hóa cơ bản khác sẽ giảm tiếp. Đặc biệt, giá dầu sẽ giảm từ mức 75-80 USD một thùng hiện nay xuống còn 65 USD trong quý I trước khi leo dần về ngưỡng 70 USD một thùng vào cuối 2010, lúc kinh tế thế giới thực sự phục hồi.
7. Lạm phát hầu như không phải là vấn đề lớn
Ở hầu hết các khu vực, lạm phát sẽ được kiểm soát tốt. Tỷ lệ thất nghiệp leo thang, khả năng tăng lương rất thấp, trong khi đó tình trạng sản xuất vượt nhu cầu vẫn tiếp diễn, sẽ khiến doanh nghiệp cân nhắc kỹ trước khi quyết định tăng giá bán sản phẩm. Áp lực lạm phát chỉ có thể xuất hiện ở ở những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, mà chủ yếu là ở châu Á và những nước định giá thấp đồng nội tệ so với đôla Mỹ.
8. Tình trạng mất cân đối toàn cầu sẽ tệ hơn
Thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ giảm mạnh trong 2009, từ mức 700 tỷ USD năm 2008 xuống còn 450 tỷ USD. Tuy nhiên, tình hình sẽ tệ trở lại và thâm hụt trong 2010 sẽ tăng thêm 90 tỷ USD so với năm ngoái. Nguyên nhân chính của tình trạng này là Mỹ tăng trưởng nhanh hơn so với các nền kinh tế phát triển khác. Bên cạnh đó, tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu tại nhiều nước như Đức, Trung Quốc hay châu Á cũng là nhân tố khiến tình trạng mất cân đối toàn cầu tệ hơn năm ngoái.
9. Đồng đôla chịu sức ép mất giá
Có thể tăng điểm trong ngắn hạn, song đồng bạc xanh sẽ sớm quay về xu hướng mất giá trong năm 2010. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ có khả năng nhỉnh hơn so với các nước phát triển khác như Nhật Bản hay tại EU. Tuy nhiên đồng đôla có thể rơi vào trạng thái bán quá mức (oversold) và sớm chịu sức ép điều chỉnh trong một vài tháng tới. Trong trường hợp tình trạng mất cân đối vẫn tiếp diễn, đà giảm giá đồng đôla sẽ mạnh hơn, đặc biệt khi so sánh với đồng tiền của các nước đang phát triển vốn được dự báo sẽ tăng trưởng khả quan trong năm nay.
10. Tăng trưởng kinh tế có nguy cơ theo hình chữ W
Có một phần năm khả năng kinh tế thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ suy thoái kép hay nói cách khác là diễn biến theo mô hình chữ W, phục hồi rồi suy thoái trở lại trước khi lấy lại đà tăng trưởng. Có nhiều lý do dẫn tới nguy cơ này, trong đó bao hàm cả việc các nước có thể thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa sau thời gian nới lỏng để hỗ trợ kinh tế. Trong khi đó, sức mua của người dân vẫn rất yếu do tình trạng thất nghiệp chưa được cải thiện và nguy cơ sụp đổ một số tổ chức tài chính lớn.