Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Bán lẻ trong tháng 1/2023 lên tới gần 57.000 tỷ đồng

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 2/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin một số mặt của đời sống TP.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, TP tổ chức nhiều hoạt động để người dân tham gia vui chơi, giải trí, đặc biệt là hoạt động an sinh xã hội. Tháng 1/2023, TP tiếp tục có nhiều tín hiệu tốt, doanh thu du lịch tăng 16,8%, khách quốc tế đến TP khoảng 350.000 người, tổng thu ngân sách của TP ước đạt trên 50.000 tỷ đồng (trên 11% dự toán).

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức thông tin một số tình hình kinh tế - xã hội của TP trong tháng 1/2023.
Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức thông tin một số tình hình kinh tế - xã hội của TP trong tháng 1/2023.

Bên cạnh những mặt được, thì kim ngạch xuất khẩu chưa đạt, nhiều doanh nghiệp vẫn đang đợi đơn hàng, nhiều doanh nghiệp sản xuất chưa hết công suất… những khó khăn này có thể kéo dài đến giữa năm 2023, do đó cần thu hút đầu tư nhiều hơn.

“Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề, chúng ta đã mất năm 2021 vì dịch Covid-19, sang năm 2022 chủ yếu hồi phục kinh tế. Do đó, năm 2023 không thể hài lòng với những gì đã làm tốt trong năm 2022, vì TP đặt mục tiêu khá cao, trung bình tốc độ tăng trưởng từ 8-8,5% trong nhiệm kỳ. Năm 2022 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa được như ý, do đó TP đặt mục tiêu trong tháng 2/2023 phải nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các nguy cơ” - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nói.

Tại buổi họp báo, tình hình thị trường sau Tết Nguyên đán cũng được ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương thông tin. Theo đó, thị trường sau Tết Quý Mão năm 2023 không được cơ động như năm trước, nhưng tổng mức bán lẻ sấp xỉ trong Tết là 57.000 tỷ đồng, đây là doanh số cao nhất trong 5 năm qua. TP có chương trình bình ổn thị trường với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp này cam kết ổn định giá trước và sau Tết nên không có tăng đột biến.

 

Một vấn đề được dư luận cũng quan tâm là tình trạng thiếu giáo viên môn âm nhạc, mỹ thuật và ngoại ngữ ở bậc tiểu học. Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân thiếu giáo viên các môn trên vì các trường sư phạm phía Nam ít đào tạo những môn này. Bên cạnh đó, giáo viên bậc tiểu học phải dạy môn ngoại ngữ 23 tiết/tuần, nên phần lớn sinh viên sư phạm khi ra trường đều lựa chọn, xin vào trường THCS hoặc trường THPT vì thời lượng dạy bắt buộc ít hơn tiểu học. Đồng thời, lương cơ bản khi dạy tiếng Anh trong nhà trường thấp hơn nếu đi làm tại các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, TP sẽ tiếp tục xét tuyển viên chức ngành giáo dục đối với những môn thiếu giáo viên. Hiện nay Sở đang xin ý kiến của UBND TP xây dựng phương án làm sao giữ chân giáo viên dạy ngoại ngữ ở bậc tiểu học.