Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thống nhất, kiến nghị 10 cơ chế, chính sách đặc thù để làm đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh.
UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản, được sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư các dự án đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh.
Cùng với đó, UBND cấp tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án qua hai địa phương (cầu Thủ Biên giữa địa bàn tỉnh Đông Nai và tỉnh Bình Dương).
UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị Ngân sách Trung ương hỗ trợ các tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu) 50% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án. Riêng đoạn qua tỉnh Long An, đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ 75% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án. Cho phép tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án không vượt quá 70% tổng mức đầu tư dự án.
Đồng thời, cho phép giá trị tổng mức đầu tư các dự án Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh của mỗi địa phương được chuyển tiếp kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2026-2030 không tính cộng vào tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau của từng địa phương.
Riệng đoạn qua tỉnh Long An, đề xuất Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án.
Các địa phương cũng đề xuất trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện tương tự như đối với dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Ngoài ra, một số cơ chế khác cũng được đề xuất như: Cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cơ chế khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; cơ chế quản lý công trình sau đầu tư và quyết toán vốn đầu tư.
UBND TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp UBND các tỉnh và đơn vị tư vấn tổng thể dự án nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù áp dụng chung cho các dự án xây dựng đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh, trình cấp thẩm quyền thẩm định trong tháng 8/2024.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì phối hợp các bộ ngành liên quan thẩm định, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9 để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2024.
Theo thiết kế, dự án Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh sẽ đi qua 5 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 207km.
Trong đó, đoạn qua Long An hơn 78km, Bình Dương 47,5km, Đồng Nai 45,6km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,1km và TP Hồ Chí Minh 17,3km. Theo kế hoạch, giai đoạn 1, dự án xây 4 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp bố trí liên tục. Để thuận lợi cho việc mở rộng trong tương lai, giai đoạn này cũng sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn.
Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án ước tính hơn 128.000 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng gần 77.000 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng hơn 51.000 tỷ đồng.
Dự án được đề xuất theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).