Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Đô thị sáng tạo hướng tới phát triển bền vững

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hồ Chí Minh đang tiến từng bước để hiện thực hóa mục tiêu, đến năm 2030 trở thành TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại, TP văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Thách thức và bứt phá

Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra những mục tiêu to lớn, đến năm 2025, là đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại… GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD.
Đến năm 2030, là TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại, TP văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cùng các thành viên trong đoàn tham quan xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Ảnh: Thành ủy TP Hồ Chí Minh
Những mục tiêu to lớn đặt ra các thách thức không dễ vượt qua, đòi hỏi cần phải có những giải pháp đột phá để hiện thực hóa các mục tiêu. Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Các giải pháp TP Hồ Chí Minh đặt ra là đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tăng năng suất lao động… Phát huy vai trò của đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông; Tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại, cảng, logistics, quy hoạch hạ tầng dịch vụ, đảm bảo diện tích đất thích hợp đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng khuyến khích sản xuất và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và xuất khẩu phần mềm, sản phẩm nội dung số, hoàn thiện chính sách phát triển các sản phẩm chủ lực, có thương hiệu, có lợi thế cạnh tranh, làm nền tảng để DN TP tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu…

Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số…; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Xây dựng mới các khu công nghiệp có chất lượng và tính cạnh tranh cao, phù hợp với các DN ứng dụng công nghệ cao; phát triển kinh tế biển…

Huy động trí tuệ phát triển kinh tế

Chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế theo hướng tập trung vào công nghệ cao, dịch vụ đã bắt đầu phát triển mạnh tại TP từ nhiều năm nay. Sau Diễn dàn kinh tế TP Hồ Chí Minh 2018 với chủ đề “Kiến tạo đô thị sáng tạo”, một ý tưởng táo bạo, chưa từng có tiền lệ đã được TP Hồ Chí Minh triển khai. Việc huy động trí tuệ của các chuyên gia hàng đầu thế giới và trong nước phục vụ cho các mục tiêu phát triển TP Hồ Chí Minh, nhanh và bền vững, có hàm lượng chất xám cao đã tạo ra những thay đổi mang tính đột phá.

Chỉ 2 năm sau, ngày 31/12/2020, TP Thủ Đức (tiền thân là đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông) đã chính thức được công bố. TP Thủ Đức là một mô hình phát triển dựa trên nền tảng của kinh tế tri thức, trong TP có các khu vực tạo ra động lực phát triển về kinh tế, giáo dục, y tế. Vẫn còn một con đường rất xa để TP Thủ Đức có thể hiện thực hóa các ý tưởng là kết tinh chất xám của giới khoa học nhưng hiện tại đã thấp lấp ló đâu đó trong TP Thủ Đức những khu vực có thể gọi là hình ảnh tương lai con đường phát triển kinh tế của TP Hồ Chí Minh.

Đó là một khu công nghệ cao, động lực sản xuất công nghệ cao, thu hút hàng ngàn các nhà khoa học, kỹ sư đến làm việc, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Theo số liệu của Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2020, có 160 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực. Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ là đầu kéo mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao theo hướng kinh tế tri thức của Việt Nam…

Theo Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Thi, tính đến cuối năm 2020 giá trị gia tăng trung bình của sản phẩm sản xuất tại Khu công nghệ cao là gần 18%. Năng suất lao động giai đoạn 2010 - 2014 là hơn 114.000 USD/lao động và giai đoạn 2015 - 2019 là gần 292.000 USD, trong đó, riêng năm 2019 đạt 373.000 USD/lao động. 10 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt hơn 16 tỷ USD… Lũy kế đến nay, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Khu công nghệ cao ước đạt gần 81 tỷ USD...
Trong định hướng phát triển của Khu Công nghệ cao đến năm 2025, tổng vốn đầu tư lũy kế đạt gần 11 tỷ USD; giá trị xuất khẩu đạt khoảng 30 tỷ USD/năm, tăng 10%/năm; Giá trị gia tăng nội địa đạt trên 35%; Giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của DN trong nước giai đoạn 2020 - 2025 tăng ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 5 năm trước.
Trong đại dịch Covid -19, khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh được biết đến là nơi đầu tiên ở Việt Nam đã bắt tay vào nghiên cứu sản xuất vaccine ngừa bệnh. Hiện tại vaccine đã trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm và tiến rất gần đến việc sử dụng để phòng ngừa bệnh. Việc Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đi tiên phong sản xuất vaccine ngừa Covid-19, giúp Việt Nam được điền tên vào trong nhóm các quốc gia có thể tự lực được nguồn vaccine trong tương lai, đảm bảo an ninh sức khỏe cho quốc gia.

Có thể nói bước vào giai đoạn tăng tốc phát triển 2020 - 2025, những bộ khung, trụ cột kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh đã lộ diện. Sau đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, tiếp đến sẽ là xây dựng để biến TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính của khu vực.

Hướng phát triển kinh tế biển cũng được TP Hồ Chí Minh chú trọng, Vịnh Cần Giờ đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, khởi đầu là siêu dự án chuỗi đô thị quốc tế trị giá đầu tư tương đương 10 tỷ USD…