Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp bất động sản “ém” thông tin dự án sẽ bị đình chỉ kinh doanh 1 năm

THIỆN AN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để xử lý doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định công khai thông tin dự án bất động sản hình thành trong tương lai, UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị bổ sung hình thức xử phạt hành chính "đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản đến 12 tháng" đối với những trường hợp doanh nghiệp sai phạm.

Theo đó, UBND TP vừa có văn bản số 3753/UBND – CCPC gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị bổ sung hình thức xử phạt các doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Cụ thể, UBND TP kiến nghị, đề xuất cho Bộ Xây dựng quy định chủ đầu tư thực hiện thông báo công khai thông tin về bất động sản tương lai tại UBND các quận, huyện nơi dự án được triển khai. 
 TP Hồ Chí Minh đề xuất đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản 1 năm đối với chủ đầu tư không công khai các thông tin về dự án.
Bổ sung hình thức xử phạt hành chính “đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản 12 tháng” đối với hành vi không công khai, công khai không đầy đủ hoặc không đúng các nội dung về tình trạng của bất động sản theo quy định (đang thế chấp ngân hàng, chưa có văn bản của Sở Xây dựng về nhà ở đủ điều kiện để bán, cho thuê mua…). Trong thành phần hồ sơ đề nghị Sở Xây dựng có văn bản thông báo bất động sản đủ điều kiện được bán, cho thuê mua phải có “hợp đồng bảo lãnh của tổ chức tín dụng”.
Bộ Tư pháp xem xét, đề xuất Chỉnh phủ sửa đổi quy định đối với giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai của chủ đầu tư với tổ chức tín dụng, cá nhân, tổ chức theo hướng phải công chứng để đảm bảo tính chặt chẽ (cập nhập, theo dõi, tra cứu cơ sở dữ liệu công chứng), bảo vệ quyền lợi của khách hàng và phòng ngừa vi phạm của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản (nếu có).
Bổ sung quy định về thành phần hồ sơ đối với trường hợp đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai của cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình mua nhà ở hình thành trong tương lai trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở bao gồm: Bản sao Giấy chứng nhận hoặc Quyết định giao đất, cho thuê đất do cơ quan có thêm quyền cấp cho chủ đầu tư.
Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất Chính phủ quy định cụ thể về hoạt động giao dịch bất động sản thông qua hình thức: Hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ, góp vốn đầu tư… và các loại hợp đồng tương tự đối với nhà ở hình thành trong tương lai tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư trước khi bán, cho thuê căn hộ chung cư. Bên cạnh việc xóa thế chấp căn hộ được giao dịch, chủ đầu tư phải đồng thời xóa đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất xây dựng chung cư đó.
Bổ sung quy định thành phần hồ sơ đăng ký thế chấp làm cơ sở để cơ quan đăng ký thế chấp có cơ sở xác định nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng, chứng thực liên thông, chia sẻ dữ liệu công chứng với cơ sở dữ liệu của Văn phòng Đăng lý đất đai (trong đó có dữ liệu đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất).
Trước đề xuất trên, trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo một doanh nghiệp có nhiều dự án bất động sản tại TP Hồ Chí Minh cho biết, đề xuất của TP là đúng, tuy nhiên sẽ hợp lý hơn nếu quy định rõ ràng về việc công khai những tài liệu pháp lý tối thiểu để khách hàng mua dự án hình thành trong tương lai được biết dự án đủ điều kiện triển khai và mở bán. Nhưng nếu công khai tất cả tài liệu của dự án thì có những dự án đang triển khai lại có những yêu cầu hơi quá, thành ra gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Việc được bán nhà hình thành trong tương lai là sự “cởi mở” của luật pháp, tạo điều kiện cho chủ đầu tư có thể thu hồi vốn sớm hơn, có lợi cho thị trường bất động sản lẫn chủ đầu tư khi bớt được phần nào căng thẳng về mặt tài chính… Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn có một số đơn vị không nghiêm túc, kể cả từ phía chủ đầu tư lẫn khách hàng. Do đó, kiến nghị của TP là rất cần thiết, tuy nhiên dưới góc độ doanh nghiệp chúng tôi vẫn hi vọng rằng sai phạm ở dự án nào thì đình chỉ dự án đó. Vì thông thường 1 doanh nghiệp sẽ triển khai cùng lúc nhiều dự án, nếu đình chỉ hoạt động của cả doanh nghiệp trong vòng 12 tháng thì quả thực sẽ khó khăn cho doanh nghiệp”, vị này nói.