70 năm giải phóng Thủ đô

TP Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp bất động sản gặp khó do “ách tắc” về luật

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nhiều chuyên gia nhận định, hệ thống luật chồng chéo, chưa đồng bộ đang gây ra tình trạng ác tắc, khó khăn cho thị trường bất động sản. Hàng loạt dự án phải tạm dừng do những trục trặc về pháp lý khiến nguồn cung khan hiếm, doanh nghiệp bất động sản lao đao.

Sáng 25/9, Hội nghị Bất động sản 2019 với chủ đề "Lấy ý kiến - Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp" đã thu hút được sự tham gia của đông đảo đại diện cơ quan Nhà nước, giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản tại TP Hồ Chí Minh.
Làm một dự án, doanh nghiệp mất 10 năm
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, theo thống kê đến tháng 5/2019 có hơn 10.000 doanh nghiệp bất động sản nhưng phần lớn là doanh nghiệp có quy mô trung bình, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực môi giới, dịch vụ bất động sản, và mới chỉ có khoảng 65 doanh nghiệp phát triển bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán.
Các chuyên gia nhìn nhận cần ành động nhanh để ''gỡ khó'' cho doanh nghiệp bất động sản.
Từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản đã có nhiều dấu hiệu chững lại. Tuy khối doanh nghiệp bất động sản tư nhân ngày càng lớn mạnh nhưng đang phải đương đầu với nhiều thách thức, rủi ro, cần được tháo gỡ các rào cản để phát triển lành mạnh và bền vững.
“Thị trường bất động sản TP đang khó khăn, không phải do doanh nghiệp, không phải người tiêu dùng, mà khó khăn là do cơ chế, chính sách. Khâu thấu hiểu, thực thi pháp luật là vấn đề rất lớn ở TP. Đã có những dự án bị dừng vì chồng chéo luật.
Để làm một dự án, doanh nghiệp mất 5 năm giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư 3 năm, thi công 2 năm tổng cộng tất cả là 10 năm. Chưa có doanh thu, áp lực tài chính lớn... chính vì vậy chính sách cần cởi mở và nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”, ông Lê Hoàng Châu phân tích.
Đồng quan điểm, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, hệ thống luật pháp về kinh doanh đang nhiều bất hợp lý. Theo luật này thì đúng, theo luật khác thì sai, địa phương không biết làm sao… gây khó cho doanh nghiệp, tạo mảnh đất cho tham nhũng.
“Rà soát của VCCI trên một số luật liên quan trong lĩnh vực bất động sản như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản… đã có đến 20 xung đột chính sách từ các luật liên quan đến nghị định, thông tư hướng dẫn về lĩnh vực bất động sản đang có sự chồng chéo, mâu thuẫn, không khả thi dẫn đến trong quá trình triển khai có nhiều dự án bị thanh tra, kiểm toán kéo dài”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Giá nhà sẽ tăng trong 1-2 năm tới?
Xét trong 10 năm gần nhất, thị trường bất động sản tăng trưởng gấp đôi với sự đóng góp chủ yếu của khối doanh nghiệp tư nhân - theo định hướng phát triển khối doanh nghiệp tư nhân như thành phần chủ yếu, là động lực tăng trưởng bên cạnh thành phần chủ đạo của nền kinh tế. Theo nhận định của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA), có thể nói, các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang dẫn dắt và thống lĩnh thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường bất động sản đã có nhiều dấu hiệu chững lại. Khối Doanh nghiệp bất động sản tư nhân ngày càng lớn mạnh nhưng đang phải đương đầu với nhiều thách thức, rủi ro, cần được tháo gỡ các rào cản để phát triển lành mạnh và bền vững.
Nhiều bộ, ngành và nhiều địa phương cũng đã vào cuộc quyết liệt, lắng nghe, giải quyết được một số khó khăn của doanh nghiệp bất động sản nhưng thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế khiến các doanh nghiệp bất động sản chịu nhiều rủi ro, đặc biệt các rủi ro pháp lý khó tháo gỡ để kinh doanh.
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường bất động sản TP đã có sự chững lại trong tất cả các phân khúc. Theo thống kê của HoREA, mới chỉ có 3 dự án nhà ở thương mại mới được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP công nhận với quy mô 924 căn hộ, giảm 16 dự án so với cùng kỳ năm 2018.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đã đề xuất UBND TP chấp thuận đầu tư 10 dự án nhà ở thương mại, giảm 46 dự án, bằng 82,2% so với cùng kỳ năm trước. Số dự án đủ điều kiện bán hình thành trong tương lai là 24 với tổng số 7.313 căn hộ, giảm 10 dự án, tương đương 29,4%. Từ đầu năm đến nay, chỉ có hơn 4.100 căn hộ được chính thức mở bán trên thị trường TP. Đây là mức thấp kỷ lục kể từ khi thị trường phục hồi năm 2014.
Dưới góc nhìn chuyên gia, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận tính thanh khoản của thị trường bất động sản vẫn đang ở mức cao, trong khi nguồn cung đã bị dừng từ đầu năm 2019 do những vấn đề liên quan đến luật pháp liên quan.
Nhận định về tác động của điều này lên thị trường, GS Đặng Hùng Võ phân tích: "Sự bất cập của pháp luật đang tác động đến thị trường đẫn đến nguồn cung của các dự án đều giảm so với cùng kỳ năm trước".
Ông cũng đưa ra dự báo tình trạng thiếu nguồn cung trong khi thị trường vẫn có tính thanh khoản cao sẽ dẫn đến giá bất động sản tăng trong 1-2 năm tới, kéo theo nhiều hệ lụy rất lớn, tác động đến môi trường kinh doanh chung.