Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Khẩn trương điều tra vụ tử vong sau ăn bánh su kem

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm hàng loạt sau tiệc mừng Trung thu tại chung cư Palm Heights, trong đó có một trẻ tử vong, UBND TP Hồ Chí Minh giao các đơn vị tiếp tục theo dõi, khẩn trương điều tra, đánh giá nguyên nhân vụ ngộ độc.

Chiều ngày 4/10, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã có chỉ đạo yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp ngăn chặn kịp thời các trường hợp ngộ độc thực phẩm trên địa bàn, sau vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở tiệc Trung thu tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức).

Cụ thể, Chủ tịch UBND TP giao Ban Quản lý An toàn thực phẩm chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tiếp tục theo dõi, khẩn trương điều tra, đánh giá nguyên nhân gây ngộ độc, cập nhật diễn biến tình hình các trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn TP Thủ Đức.

Đồng thời, tập trung các biện pháp nhằm ngăn chặn, tránh để xảy ra việc ngộ độc tương tự trên địa bàn TP; kịp thời báo cáo kết quả về UBND TP.

Bánh su kem mà cháu Q. ăn nghi bị ngộ độc. Ảnh: Người nhà cung cấp
Bánh su kem mà cháu Q. ăn nghi bị ngộ độc. Ảnh: Người nhà cung cấp

Ban Quản lý An toàn thực phẩm tăng cường xây dựng các tuyến bài viết phân tích cụ thể, dễ hiểu về phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Qua đó đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến người dân, nâng cao ý thức trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm.

Chủ tịch UBND TP giao Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện đang điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm theo dõi sát tình trạng người bệnh, tích cực điều trị, đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh.

UBND TP Thủ Đức phối hợp với các cơ quan chức năng để tiến hành điều tra, nhanh chóng khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn, hạn chế ảnh huởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

TP Thủ Đức và các quận, huyện phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường triển khai công tác kiểm tra, giám sát nhằm quản lý chặt chẽ việc đảm bảo an toàn thực phẩm phạm vi địa phương, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Tổ công tác Sở Y tế làm việc tại BV Lê Văn Thịnh về trường hợp tử vong và các trường hợp còn lại đang điều trị tại bệnh viện vào ngày 3/10. Ảnh: Sở Y tế TP Hồ Chí Minh
Tổ công tác Sở Y tế làm việc tại BV Lê Văn Thịnh về trường hợp tử vong và các trường hợp còn lại đang điều trị tại bệnh viện vào ngày 3/10. Ảnh: Sở Y tế TP Hồ Chí Minh

Trước đó, sáng cùng ngày 4/10, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức họp khẩn sau vụ một trẻ tử vong nghi ngộ độc do ăn bánh su kem tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức).

Sau khi nghe tổ công tác báo cáo lại kết quả điều tra các trường hợp có triệu chứng ngộ độc thực phẩm và các bệnh viện báo cáo cập nhật tình hình thu dung điều trị các trường hợp ngộ độc thực phẩm, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về ngộ độc thực phẩm của ngành y tế TP thống nhất nhận định nhiễm khuẩn là nguyên nhân chính gây ra vụ ngộ độc này.

Có thể bánh su kem đã bị nhiễm khuẩn. Bởi tất cả trường hợp ngộ độc đều có có triệu chứng giống nhau liên quan đến nhiễm khuẩn thức ăn như sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, bạch cầu máu tăng cao, CRP tăng cao (xét nghiệm máu giúp nhận biết cơ thể bị nhiễm vi khuẩn).

Sở Y tế cho biết đáng lưu ý, có trường hợp không dự tiệc Trung thu tại chung cư trên nhưng vẫn bị ngộ độc và có cùng triệu chứng sau khi ăn bánh su kem có cùng nhãn hiệu, cùng địa chỉ nơi mua bánh.

 

Ngày 2/10, UBND TP Thủ Đức cũng đã có báo cáo nhanh về trường hợp cháu bé P.N.Q. (6 tuổi) tử vong trong vụ việc

Lúc 17 giờ 30 ngày 29/9, Ban Quản lý chung cư Palm Heights tổ chức tiệc Trung thu cho các cháu là con của cư dân và nhân viên sinh sống tại chung cư. Ban quản lý chung cư phát bánh cho khoảng 200 người (khoảng 150 trẻ em và khoảng 50 người lớn).

Đến chiều 30/9, một trẻ em là con của nhân viên phục vụ sau khi ăn phần bánh su kem dư tại sự kiện trên xuất hiện triệu chứng nôn ói, tiêu chảy. Tối 1/10, bé có diễn biến nặng hơn nên gia đình đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh với tình trạng tím tái toàn thân. Khi vào cấp cứu, bệnh viện xác định cháu bé đã tử vong ngoài viện.

Sau đó, khoảng 50 trường hợp (bao gồm cả nhân viên, nhà thầu và người thân của nhân viên) cùng có triệu chứng ngộ độc thực phẩm giống nhau như đau bụng, sốt, nôn ói, tiêu phân lỏng nhiều lần.