Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Kỷ lục 714 ca mắc Covid-19 trong ngày, mục tiêu hết dịch vào cuối tháng 8/2021 liệu có hoàn thành?

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vòng 24 giờ qua, TP Hồ Chí Minh ghi nhận thêm 714 ca mắc Covid-19 mới, đây là con số kỷ lục kể từ khi có dịch và hiện TP đã vượt mức 5.000 ca.

Tối ngày 3/7, Bộ Y tế công bố thêm 250 ca mắc Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh, nâng tổng số ca mắc trong ngày lên 714. Như vậy, tính đến hiện tại TP đã chính thức vượt ngưỡng 5.000 bệnh nhân Covid-19. Vậy, với tình hình này, câu hỏi là đặt ra là TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành mục tiêu hết dịch vào cuối tháng 8/2021 hay không?

Test nhanh kháng nguyên để tìm F0

Sau một tháng rưỡi thực hiện giãn cách xã hội, tình hình dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh còn khá phức tạp với nhiều cụm lây nhiễm nhỏ, nhiều ca mắc rải rác chưa xác định nguồn lây. Nhận định về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) đánh giá, TP đang bước vào giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 với các biện pháp quyết liệt: “Ngành y tế TP đang khẩn trương lấy 5 triệu mẫu xét nghiệm tầm soát để đánh giá bức tranh Covid-19 trên toàn TP và đề ra các biện pháp dập dịch tiếp theo” - đại diện HCDC cho hay.
Tuy nhiên, bàn về quy trình triển khai xét nghiệm của TP, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng “chậm và nhiều vấn đề còn phải khắc phục”. Cụ thể, từ tổ chức lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm đến phân phối giữa các phòng thí nghiệm và đặc biệt là khâu hợp mã để ra kết quả.
 Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 diện rộng người dân tại phường 10, quận Tân Bình ngày 1/7. Ảnh: Sở Y tế TP Hồ Chí Minh
Liên quan đến nội dung này, Sở Y tế TP cũng thừa nhận tình trạng trả kết quả xét nghiệm chậm tại các khu cách ly, dẫn đến phát hiện ca bệnh trễ, nguy cơ lây nhiễm cao cho người cùng phòng, khiến người cách ly bức xúc.
Do đó, để kiểm soát tình hình, TP đã có nhiều thay đổi lớn, đáng chú ý là chiến lược áp dụng xét nghiệm test nhanh kháng nguyên, giúp cơ quan chức năng phát hiện được nhiều F0 còn đang “lang thang” ngoài cộng đồng.

Vậy, test nhanh kháng nguyên là gì? Theo TS. Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), test nhanh kháng nguyên là xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 dựa trên nguyên lý bắt cặp đặc hiệu giữa kháng nguyên và kháng thể.
Cụ thể, kháng thể đặc hiệu với virus SARS-CoV-2 được gắn lên que thử, sau đó dùng dịch ngoáy họng hoặc dịch hô hấp, tỵ hầu, nước bọt…, nhỏ lên que thử. Nếu có phản ứng, nghĩa là có virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm.
Ưu điểm của xét nghiệm này là đơn giản, dễ thực hiện, cho kết quả nhanh (dưới 60 phút), ít bị phụ thuộc vào thời gian virus xâm nhập cơ thể. Do đó, test nhanh kháng nguyên giúp chẩn đoán sớm ngay giai đoạn mới nhiễm (thay vì cần 7-10 ngày sau phơi nhiễm như xét nghiệm phát hiện kháng thể).
Về nhược điểm, test nhanh kháng nguyên có độ nhạy kém hơn xét nghiệm RT-PCR, dễ bỏ sót các ca nhiễm bệnh. Các kết quả dương tính của phương pháp này vẫn cần phải khẳng định lại bằng xét nghiệm RT-PCR.
Theo Sở Y tế TP, tại vùng có ổ dịch, lực lượng y tế sẽ sử dụng test nhanh kháng nguyên quét ngay đối với các trường hợp tiếp xúc gần. Sau khi có kết quả test nhanh, người có kết quả dương tính sẽ được cách ly ngay, sử dụng xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn. Với người có test nhanh âm tính, lực lượng y tế sẽ xét nghiệm mẫu gộp nhằm xác định kết quả chắc chắn âm tính với SARS-CoV-2.
“Với chiến lược xét nghiệm trên diện rộng, có thể những ngày sắp tới, số ca nhiễm ghi nhận ở TP Hồ Chí Minh còn tăng cao và duy trì ở mức 3 con số. Song, không cần phải quá lo lắng bởi vì với "kịch bản" này, TP vẫn có thế chủ động được” - một chuyên gia dịch tễ phân tích.
Sẽ hết dịch vào cuối tháng 8/2021?
Mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã cung cấp dữ liệu cho 2 nhóm nghiên cứu, gồm: Nhóm nghiên cứu của ĐH Fulbright do TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, làm trưởng nhóm và nhóm nghiên cứu Tech4Covid do tiến sĩ Đinh Bá Tiến, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, làm trưởng nhóm.
Cả hai nhóm nghiên cứu đều đánh giá dịch Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh đạt đỉnh trong đầu tháng 7 và bắt đầu chu kỳ đi xuống, nếu thực hiện tốt việc giãn cách theo Chỉ thị 10.
Cụ thể, kết quả nghiên cứu của nhóm Đại học Fulbright cho rằng, kể từ đầu tháng 8 TP chỉ còn rải rác vài ca mắc/ngày và dự kiến đợt dịch sẽ kết thúc vào cuối tháng 8/2021. Nhóm đưa ra 2/4 kịch bản phòng chống dịch.
Kịch bản thứ 1 là áp dụng Chỉ thị 10 trong 2 tuần tháng 7, sau đó nới lỏng dần thì tổng số ca nhiễm cả đợt sẽ là 11.000 người, dự kiến 7.000 giường bệnh.
Kịch bản thứ 2 là áp dụng Chỉ thị 16 trong 1 tuần đầu tháng 7, sau đó nới lỏng, dự kiến ca nhiễm là 7.000 - 10.000 ca và 7.000 giường bệnh.

Đồng thời, một nhận định quan trọng được cả 2 nhóm nghiên cứu đưa ra là việc tiếp tục duy trì tuân thủ Chỉ thị 10 sẽ giúp TP kiểm soát dịch hoàn toàn tháng 8/2021. Đồng thời, việc nhanh chóng áp dụng công nghệ như: Xét nghiệm nhanh diện rộng, tiêm vaccine, khai báo y tế điện tử… trong công tác phòng chống dịch có thể rút ngắn thời gian áp dụng Chỉ thị 10.
Trước đó, Lãnh đạo Chính phủ đề nghị TP Hồ Chí Minh rà soát lại bộ tiêu chí đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đã phù hợp với biến chủng mới (Delta) chưa. Các địa phương cần đánh giá tình hình và tùy diễn biến thực tế để áp dụng Chỉ thị 10, 15 hoặc 16. Nếu để xảy ra dịch thì người đứng đầu chịu trách nhiệm. “Cần đánh giá tình hình để cố gắng làm sao quyết liệt cuối tháng 7, dịch giảm rõ, giảm sâu. Đến tháng 8 hết dịch” - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đặt mục tiêu cho TP Hồ Chí Minh.