Theo đó, lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) được tổ chức trong 3 ngày chính của tháng 8 âm lịch hằng năm (từ ngày 14 đến 16/8 âm lịch) tức các ngày 9/9 - 11/9.
Lễ hội Nghinh Ông và lễ mừng công ngư dân Cần Giờ sẽ được khai mạc vào lúc 19 giờ tối 9/9 (tức 14/8 âm lịch), tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.
Ông Phạm Văn Bảo - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Cần Giờ kiêm Phó Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội cho biết, ngay từ sáng 9/9, đã diễn ra nhiều hoạt động: Lễ viếng Nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác lúc 7 giờ sáng, tiếp đến là lễ thượng Đại kỳ Lễ hội, biểu diễn Lân - Sư - Rồng; lễ hội đặc sản biển và du lịch biển.
Từ sáng đến chiều còn có nhiều hoạt động thể thao, như: Giải Đua xe đạp vòng quanh thị trấn Cần Thạnh, giải Bi sắt Cần Giờ mở rộng, thả diều nghệ thuật, biểu diễn võ nhạc...
Trong ngày 10/9 (tức Rằm tháng 8 âm lịch), từ sáng đến khuya diễn ra nhiều hội thi, như: Vẽ tranh, làm đèn lồng, giải điền kinh thanh thiếu niên TP, đua xuồng chèo, biểu diễn rối nước; Đêm hội Trăng rằm - Rước đèn Trung thu, xiếc đường phố. Lúc 22 giờ cùng ngày diễn ra hoạt động của đoàn thuyền hoa đăng, thả đèn trên biển.
Sáng Chủ Nhật 11/9 (tức ngày 16/8 âm lịch), có nhiều hoạt động được tổ chức, như: Giải đua cà kheo, bóng đá cà kheo… Đúng 9 giờ sáng cùng ngày, đoàn thuyền Nghinh Ông xuất phát ra biển từ Bến Tắc Xuất và Bến đò cơ khí - Coopmart. Lúc 12 giờ đoàn thuyền Nghinh Ông quay vào bờ tại bến đò cơ khí và về Lăng Ông Thủy tướng. Trong khoảng thời gian đoàn thuyền ra khơi làm lễ cúng, trên trời có biểu diễn dù lượn gắn động cơ. Khi đoàn thuyền trở về, diễn ra hoạt động cúng đại lễ và hát bội đến 19 giờ cùng ngày bế mạc.
Cũng theo ông Phạm Văn Bảo, tuy lễ hội Nghinh Ông chưa khai mạc, nhưng hôm nay tại Cần Giờ các nhà nghỉ, khách sạn đã “cháy phòng”. Vì từ vài ngày trước đã tổ chức phiên chợ hàng Việt, trưng bày giới thiệu và mua bán sản phẩm OCOP TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, nên lượng khách đổ về rất đông, khoảng 40.000 - 50.000 người. Vào ngày chính là 11/9 (tức 16/8 âm lịch) dự kiến có khoảng 100.000 người đến tham dự và vui chơi, giải trí.
Lễ hội Nghinh Ông có từ năm 1913, đến nay đã hơn 100 năm. Vào tháng 9/2013, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa lễ hội này vào “Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Đây là một lễ hội truyền thống của ngư dân huyện Cần Giờ, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa khi ra biển và ước mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Theo ông Lê Quốc Lộc (ở quận 6), lễ hội Nghinh Ông, hay còn gọi là lễ cúng cá Ông (cá voi) gắn liền với tục thờ cá Ông phổ biến từ Đèo Ngang trở vào đến vùng biển Hà Tiên, đảo Phú Quốc, là lễ hội lớn nhất của ngư dân. Bằng nhiều tên gọi khác nhau như: Lễ rước cốt Ông, lễ cầu ngư, lễ tế cá Ông, lễ cúng Ông, lễ Nghinh Ông, lễ Nghinh Ông Thủy tướng…, nhưng tất cả đều có chung một quan niệm rằng cá Ông là sinh vật thiêng ở biển, là cứu tinh đối với những người đánh cá và làm nghề trên biển nói chung. Điều này đã trở thành một tín ngưỡng dân gian phổ biến trong các thế hệ ngư dân ở các địa phương nói trên.